Tiếng Việt | English

22/10/2020 - 09:37

Phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể

Trong giai đoạn 2013-2020, Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) tỉnh Long An đã tổ chức triển khai, thực hiện nhiều giải pháp tích cực, chủ động, góp phần đưa phong trào kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc. Các HTX, tổ hợp tác (THT) có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã xuất hiện thêm nhiều mô hình mới hoạt động hiệu quả. Vai trò của LMHTX tỉnh tiếp tục được khẳng định là nòng cốt trong phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh.

Nguồn vốn hoạt động của hợp tác xã tăng

Đầu nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 95 HTX với tổng vốn điều lệ 104,36 tỉ đồng và 44.542 thành viên. Trong nhiệm kỳ, đã kiện toàn, củng cố và phát triển thêm 181 HTX mới, giải thể 25 HTX. Toàn tỉnh hiện có 252 HTX với 328,502 tỉ đồng vốn điều lệ và 41.463 thành viên, đang hoạt động 225 HTX, ngưng hoạt động 26 HTX, kiểm soát đặc biệt 1 quỹ tín dụng nhân dân (TDND).

Hợp tác xã ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương Hướng về Đại hội

Tổng nguồn vốn hoạt động của các HTX đạt 1.440.095,7 triệu đồng, tăng 1.362.906,7 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Doanh thu bình quân 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.228 triệu đồng/HTX, tăng 90 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Tổng số thành viên tham gia HTX là 41.463 thành viên, giảm 7.705 thành viên (do rà soát, củng cố tổ chức HTX, quản lý thành viên sau khi chuyển đổi mô hình HTX theo Luật HTX năm 2012 và một bộ phận thành viên của các quỹ TDND sau khi không còn quan hệ tín dụng với quỹ đã rút khỏi thành viên của quỹ). Tổng số lao động thường xuyên làm việc tại HTX là 2.276 người, giảm 827 người. Đến nay, 100% HTX đang hoạt động đã chuyển đổi, đăng ký theo Luật HTX năm 2012. Nhiệm kỳ qua, hoạt động của các HTX, THT có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dịch vụ không ngừng được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu và mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên. Từ đó, thành viên an tâm gắn bó với HTX.

Các HTX không chỉ đơn thuần làm các dịch vụ đầu vào như trước mà chú trọng đến sản xuất sản phẩm theo hướng hàng hóa. Hệ thống quỹ TDND tiếp tục có những bước phát triển mới, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Giám đốc HTX Rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên - Nguyễn Việt Thịnh cho biết: "Thông qua HTX, nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương đã phát triển theo hướng hàng hóa. Qua đó, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, tham gia tích cực vào chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương...".

Có được kết quả trên là do công tác quản lý nhà nước, khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ngoài ra, LMHTX tỉnh cũng giữ vai trò nòng cốt thúc đẩy, khuyến khích phong trào KTTT phát triển, xây dựng HTX vững mạnh. LMHTX tỉnh chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT. Bên cạnh đó, LMHTX tỉnh còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến mô hình KTTT, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức về bản chất, vai trò, ý nghĩa cũng như lợi ích của KTTT.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã

Chủ tịch LMHTX tỉnh - Đặng Minh Hải nhấn mạnh: "Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng LMHTX tỉnh vững mạnh, góp phần đưa phong trào KTTT của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, thời gian tới, LMHTX tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả; quan tâm, sửa đổi, ban hành chính sách khuyến khích phát triển KTTT giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, LMHTX tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia HTX để tăng quy mô thành viên, quy mô sản xuất, kinh doanh, tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX; tư vấn, thực hiện và phối hợp thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT; HTX không ngừng được đổi mới, đáp ứng nhu cầu của các thành viên".

Nhiệm kỳ qua, LMHTX tỉnh trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 2013-2018 đã được tỉnh quan tâm bổ sung thêm cán bộ, kinh phí, điều kiện hoạt động, do vậy, LMHTX tỉnh đã có những bước chuyển biến đáng kể, góp phần củng cố và phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần chủ động, LMHTX tỉnh đã tích cực xây dựng các mô hình HTX, THT, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ KTTT phát triển; phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mô hình HTX điển hình tiên tiến; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học - công nghệ, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX. Vai trò của LMHTX trong phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh ngày càng thể hiện rõ ràng, thiết thực.

Giai đoạn được kéo dài nhiệm kỳ (từ cuối năm 2018-2020), LMHTX tỉnh thực hiện theo Đề án 02 của Tỉnh ủy “Về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An” theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Những năm kéo dài nhiệm kỳ, LMHTX tỉnh đã chuyển sang hoạt động theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP, ngày 21-4-2010 về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội trên nguyên tắc tổ chức: Tự nguyện, tự quản; Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; Tự đảm bảo kinh phí hoạt động; Không vì mục đích lợi nhuận; Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội. Tuy nhiên, với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, LMHTX tỉnh tiếp tục được quan tâm củng cố toàn diện và hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao.

Thực tế cho thấy, khu vực KTTT nòng cốt là HTX vẫn còn một số khó khăn, bất cập: Một bộ phận người dân còn định kiến về hoạt động của HTX kiểu cũ, nhận thức chưa đúng bản chất và tổ chức hoạt động của HTX kiểu mới, ảnh hưởng đến thu hút thành viên, cản trở sự phát triển KTTT. Đa số HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững. Trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ HTX còn bất cập,...

Đại diện lãnh đạo một số HTX cho rằng, những khó khăn, hạn chế của HTX đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT chưa đồng bộ, mức hỗ trợ còn thấp. Một số chính sách khó áp dụng vào thực tiễn và chưa phù hợp với đặc thù của các loại hình KTTT nên chưa khuyến khích HTX, THT phát triển. Ngoài ra, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến KTTT; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động HTX còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ, tình hình thị trường hiện nay. Thành viên HTX đa phần là nông dân, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động sự đóng góp vật chất, trí tuệ để xây dựng, phát triển HTX còn hạn chế, chuyển đổi công nghệ và ngành nghề phù hợp với sự phát triển của thị trường còn chậm. LMHTX tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực để tổ chức các hoạt động thúc đẩy, truyền thông phát triển HTX, kinh phí hoạt động thường xuyên thấp,... Để KTTT phát triển bền vững, cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, vận động tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển KTTT trong thời gian tới./.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng:

Mặc dù các thành viên HTX sản xuất với quy mô lớn, hiện đại hóa và theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, nhu cầu cần hỗ trợ lớn nhất của các HTX nông nghiệp hiện nay là "liên kết chuỗi" để bao tiêu nông sản. Đây là vấn đề quan trọng nhất mà các HTX mong đợi từ sự hỗ trợ của LMHTX tỉnh nhiệm kỳ mới. Muốn làm được việc này, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực LMHTX tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 phải là những người trẻ, tâm huyết, có năng lực, trình độ để có tầm nhìn, chiến lược và xây dựng quan hệ với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để ký kết, liên kết bao tiêu, nâng cao giá trị nông sản.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Thạnh Đông - Nguyễn Ngọc Hùng:

Ngoài những khó khăn về vốn, đất xây dựng nhà xưởng..., vướng mắc lớn nhất hiện nay của các HTX là sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nguồn nhân lực, các quy trình tạo ra sản phẩm. Để tháo gỡ khó khăn này, trước hết phải có lộ trình chứ không thể "đốt cháy giai đoạn" và trong vòng vài tháng mà có thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao được. Hy vọng LMHTX tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 tăng cường đề xuất với chính quyền địa phương tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ các HTX liên kết sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi để tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản,... nhằm thúc đẩy phong trào KTTT trong tỉnh ngày càng phát triển.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thanh long Quê Mỹ Thạnh - Lê Văn Chín:

Tôi mong Đại hội LMHTX tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ có nhiều lãnh đạo HTX trẻ và cán bộ của LMHTX có năng lực, kinh nghiệm tham gia vào Ban Chấp hành để tham mưu, cố vấn cho LMHTX đề ra những định hướng tốt, tham mưu lãnh đạo các cấp có chính sách tốt. Qua đó, khuyến khích, tạo động lực cho các HTX phát triển cả về mặt chất lượng cũng như số lượng.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết