Nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chủ động liên kết, đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Xác định tầm quan trọng của KTTT trong góp phần xây dựng KT-XH, sau tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2013 đánh giá cao vai trò của KTTT. Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) sau hội nghị tổng kết 15 năm tiếp tục khẳng định: “Khu vực KTTT, hợp tác xã (HTX), nhất là những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần XDNTM, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân...”.
Tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất) của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM là xã có tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động hiệu quả. Từ đó, việc quan tâm, phát triển KTTT với nhiều loại hình là phương pháp hữu hiệu giúp phát huy nguồn lao động dồi dào ở khu vực nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình XDNTM ở địa phương.
Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) - Trương Quang An cho biết: “KTTT phát triển đúng hướng sẽ là động lực cơ bản để đổi mới cách nghĩ, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình XDNTM”.
Để hỗ trợ HTX phát triển, các ngành chức năng liên quan, trong đó vai trò nòng cốt của Liên minh HTX là tập trung củng cố các HTX trên nhiều lĩnh vực, mạnh dạn giải thể các HTX yếu kém, hoạt động không hiệu quả, tuyên truyền cho các thành viên biết thế nào là các chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra và chấp hành tốt các quy định hợp đồng đã ký,...
Tạo chuỗi liên kết sản phẩm chất lượng
Trong Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh có 65 HTX nằm trong vùng của chương trình (33 HTX lúa, 16 HTX rau, 14 HTX thanh long và 2 HTX bò thịt), trong đó có 16 HTX điểm (13 HTX nằm trong vùng Đề án HTX điểm nằm trong vùng ứng dụng công nghệ cao và 3 HTX ngoài vùng). Hiện hầu hết HTX đều thực hiện vai trò “cầu nối” cho thành viên về các dịch vụ như cung ứng giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp theo hình thức mua chung, bán chung, chia sẻ kỹ thuật, liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hương - thành viên HTX Rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ), cho biết: “Cái lợi lớn nhất khi tham gia HTX là được hỗ trợ vốn, con giống, hướng dẫn sản xuất theo phương pháp mới,... từ đó, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn, bán được giá hơn, đời sống các thành viên ngày càng nâng cao. Sản phẩm của các thành viên có đầu ra ổn định, không lo như bán cho thương lái bên ngoài”.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX Cần Đước, Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng: “Vấn đề đầu ra sản phẩm không chỉ là nỗi lo lớn của HTX Rau an toàn Phước Hòa mà còn của nông dân nói chung. Nhận thức sâu sắc được điều này, thời gian qua, các HTX chủ động liên kết với nhau và đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, tập trung vào sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm như VietGAP, lobalGAP,... từng bước nâng cao thương hiệu và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường...”.
Bên cạnh kết quả đã đạt, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, bất cập.Phần lớn tổ chức có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều.Số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Việc thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 còn nhiều vướng mắc. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu,...
Để tiếp tục thực hiện nghị quyết trong thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tập trung thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong nghị quyết, trong đó: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất của KTTT, HTX, nhất là về HTX kiểu mới...
Toàn tỉnh hiện có 246 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, trong đó có 219 HTX đang hoạt động với tổng số 41.824 thành viên, tổng vốn điều lệ 319.345 triệu đồng. Doanh thu của HTX tăng đều qua các năm, doanh thu bình quân 1.843 triệu đồng/HTX. Lợi nhuận của các HTX đạt 41.935,53 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 172 triệu đồng/HTX. Ngành nghề đăng ký hoạt động của các HTX chủ yếu là dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dịch vụ trước, trong và sau thu hoạch; sản xuất, kinh doanh lúa giống; mua bán máy móc phục vụ nông nghiệp cho thành viên; loại hình tổ chức tập trung các nhóm cây trồng như thanh long, rau màu, chanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản,...
Toàn tỉnh hiện có 4 liên hiệp hợp tác xã (LHHTX), trong đó có 1 LHHTX hoạt động tốt, hiệu quả; 1 LHHTX đang tiến hành tổ chức hoạt động; 2 LHHTX ngưng hoạt động (LHHTX Tân Hưng và Cần Giuộc); vốn điều lệ đăng ký 3.700 triệu đồng, số thành viên đăng ký 23, số thành viên hiện tại là 16 thành viên. Các LHHTX chủ yếu thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên kết sản xuất giữa các HTX thành viên và tìm kiếm thị trường tiêu thụ./.
|
Song Hồng