Với sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình phát triển đô thị, diện mạo các đô thị có sự thay đổi rõ nét, nhiều công trình được đầu tư, hạ tầng đô thị được xây dựng khang trang, góp phần phát triển KT-XH địa phương, nâng cao cuộc sống người dân.
Đô thị TP.Tân An được xem là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. Các đô thị: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và vùng giáp ranh TP.HCM.
Tỉnh hiện có 19 đô thị (Trong ảnh: Một góc đô thị loại II TP.Tân An)
Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo nhấn mạnh, TP.Tân An, tỉnh Long An vừa đón tuổi 15. Đây là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố, KT-XH không ngừng phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân cải thiện, nâng lên,...
Thành phố luôn bám sát các chủ trương, chỉ đạo và xây dựng, nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị. Hiện nay, Tân An đạt chuẩn đô thị loại II, tập trung củng cố, nâng chất các tiêu chí của đô thị loại I. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào cuối năm 2025, công nhận trước năm 2030.
Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông của thị xã Kiến Tường được tập trung đầu tư phát triển. Thị xã có các trục đường lớn ngang qua là Quốc lộ 62, Đường tỉnh 819 và Đường tỉnh 831.
Trên địa bàn thị xã còn có Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp và Khu kinh tế cửa khẩu Long An đi vào hoạt động ổn định. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn; thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng chất các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị, góp phần phát triển KT-XH và từ đó tạo sự kết nối liên vùng.
Theo ông Ngô Hải Phong (phường 2, thị xã Kiến Tường), từ khi chương trình đô thị được quan tâm thực hiện, người dân thụ hưởng nhiều tiện ích. Thị xã có diện mạo mới khang trang, hạ tầng được đầu tư,... Điều quan trọng nhất là người dân có thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao.
Thị xã Kiến Tường tập trung củng cố, nâng chất tiêu chí đô thị loại III
Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, hiện thị xã được công nhận đạt chuẩn đô thị loại III, phù hợp với quy hoạch, phát triển hệ thống đô thị quốc gia và của tỉnh, tạo đà để thị xã sớm trở thành đô thị động lực vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Theo định hướng quy hoạch, thị xã tiếp tục nâng chất các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại III; đồng thời, quy hoạch phát triển không gian kiến trúc đô thị thị xã trở thành đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, xứng tầm với vị trí, tiềm năng.
Bên cạnh đó, thị xã xây dựng 2-3 khu đô thị đạt chuẩn đô thị theo quy định; khai thác các nguồn lực, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối mạng lưới đô thị vùng trong và ngoài tỉnh,...
Thông tin từ Sở Xây dựng, hiện nay, phát triển đô thị tại tỉnh còn một số hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Số lượng đô thị tăng lên nhưng về chất lượng vẫn còn những chỉ tiêu thấp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đồng bộ và có nơi quá tải. Đô thị phát triển chậm, chưa tương xứng với vị trí, nền kinh tế, vai trò của tỉnh. Hạ tầng đô thị và liên kết vùng còn yếu; chưa thu hút nhiều dân cư đô thị; đầu tư từ ngân sách còn quá ít; chưa có chính sách phát triển đô thị hiệu quả; chưa đảm đương được các hạ tầng cơ bản (xử lý nước thải, hạ tầng liên vùng, chính sách xã hội như nhà ở xã hội),...
Để phát triển đô thị theo hướng bền vững, tỉnh tập trung công tác quy hoạch, trong đó, quy hoạch chung (1/2.000) có định hướng lớn, có sự linh hoạt, phù hợp. Nhà nước đầu tư hạ tầng để có thể huy động sự đóng góp của dự án đô thị; đồng thời, đầu tư, bố trí ngân sách cho phát triển và duy trì để đô thị đủ hoạt động.
Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách để chọn, mời gọi nhà đầu tư lớn, có đủ năng lực về phát triển đô thị; tạo thủ tục đơn giản đối với việc xin phép xây dựng đô thị. Nhà nước đầu tư hạ tầng đầu mối, quan trọng để đô thị phát triển dựa vào lực hút đô thị có sẵn để TP.Tân An và các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa là đô thị vệ tinh, thu hút dân cư,...
“Thời gian tới, việc hình thành, phát triển hệ thống đô thị trong tỉnh phải theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững; bảo đảm thực hiện được lộ trình đề ra theo định hướng Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.
|
Tỉnh Long An đang đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa để phát triển đô thị theo hướng bền vững.
|
Sơn Quê