Tiếng Việt | English

15/10/2016 - 18:18

Phát triển đô thị xanh gắn với tăng trưởng bền vững

Phát triển đô thị xanh gắn với tăng trưởng bền vững, từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Trong điều kiện hiện nay, không chỉ chú trọng mở rộng các đô thị tại các thị trấn, thị xã, thành phố mà còn phải gắn việc quy hoạch kiến trúc với tạo lập môi trường cư trú bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình hình thành và phát triển kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Xây dựng công trình hòa hợp với thiên nhiên đang được ưu tiên thực hiện

Tính đến thời điểm này, tỉnh Long An có 1 đô thị loại III (TP. Tân An), 6 đô thị loại IV gồm các thị trấn: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, thị xã Kiến Tường và 9 đô thị loại V. Tốc độ đô thị hóa tại tỉnh đang diễn ra khá nhanh với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 25%.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Phan Ngọc Dũng: "Mặc dù, Long An là cửa ngõ của miền Tây, song tỷ lệ đô thị hóa còn ở mức thấp hơn so với bình quân chung của cả nước (cả nước khoảng 35%), chính vì vậy, trong Nghị quyết của HĐND tỉnh cuối năm 2015 thông qua nội dung điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển đô thị đến năm 2020, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh bằng với bình quân cả nước; dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%, đưa TP.Tân An đạt chuẩn đô thị loại II và nâng cấp các đô thị: Thị xã Kiến Tường, thị trấn Hậu Nghĩa và thị trấn Bến Lức đạt chuẩn đô thị loại III".

Phát triển đô thị còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh bởi các đô thị là những nơi tập trung dân cư đông đúc. Việc xây dựng đô thị hướng đến sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo ra những không gian xanh, không chỉ giúp người dân có môi trường sống tốt hơn mà còn góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái, tăng trưởng bền vững - ông Phan Ngọc Dũng thông tin thêm.

Hiện nay, ở Việt Nam và tất cả các nước trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là Long An được dự báo là địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng khi mực nước biển dâng cao hơn 1m (theo kịch bản cao - đến năm 2100) so với hiện nay. Chính vì vậy, việc quy hoạch, xây dựng các đô thị tại tỉnh đang đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là giải quyết những nút thắt trong tăng trưởng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Trong đó, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, nâng cao cao trình xây dựng cầu, đường, bảo vệ, sử dụng hiệu quả các kênh, sông, rạch và các loại mặt nước tự nhiên, tăng lượng cây xanh và các khoảng xanh, không gian xanh đang được xem là các giải pháp trước mắt và lâu dài được khuyến khích triển khai thực hiện trong quá trình quy hoạch, phát triển đô thị.

Bởi theo ông Phan Ngọc Dũng, hiện nay, tăng trưởng ở các đô thị tại Long An vẫn chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ nên hiệu suất lao động thấp, dễ bị tác động do biến động kinh tế và tự nhiên, nhất là trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hiện nay. Phát triển đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ theo quy hoạch, kế hoạch, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên.

Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng đô thị trong một số đô thị không đồng bộ, thậm chí xuống cấp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng khi mưa lớn, ô nhiễm môi trường, quá tải ở trường học, bệnh viện tại các trung tâm đô thị. Tại TP.Tân An, suốt nhiều năm qua, tỷ lệ thất thoát nước hàng năm khoảng 30-40%, trong khi đó, tại nhiều vùng, tình trạng thiếu nước sạch, nước sinh hoạt đang diễn ra khá phổ biến.

Trước tình hình đó, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An thực hiện Đề án chống thất thoát nước bằng việc lắp đặt các thiết bị kiểm soát điện tử cho từng khu vực cấp nước. Nhờ đó, đến nay, tình trạng thất thoát nước tại TP.Tân An giảm xuống phân nửa so với trước đây.

Quy hoạch đô thị xanh hiện nay phải đạt nhiều tiêu chí, trong đó phải có không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa.

Cũng theo ông Phan Ngọc Dũng, quy hoạch đô thị xanh hiện nay phải đạt nhiều tiêu chí, trong đó phải có không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa. Quy hoạch, xây dựng các đô thị phải chú trọng yếu tố thân thiện với môi trường.

Ngay từ khâu quy hoạch, phải lồng ghép việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo không gian mở cho đô thị. Quy hoạch không gian đô thị cũng cần có tính chất dự báo, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh, mặt nước, bảo đảm các khu vực chức năng của đô thị thỏa mãn tiêu chí về chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững - ông Phan Ngọc Dũng cho biết.

Để thực hiện mục tiêu đó, theo Sở Xây dựng Long An, đây không chỉ là việc làm của riêng những người làm công tác quy hoạch mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần có những chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc tại từng đô thị về công trình xanh, kiến trúc xanh, tăng số lượng cây xanh và dành diện tích phù hợp để phục hồi số lượng cây xanh bị thay thế trong quá trình xây dựng các công trình công cộng, nhà ở,...

Với những công trình công, công trình quan trọng trong tỉnh cần ưu tiên áp dụng tiêu chí công trình xanh, kiến trúc xanh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; trong quá trình xây dựng công trình dân dụng tại các đô thị, nên chú trọng sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường như vật liệu xây không nung, vật liệu tái chế,...

Phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh sẽ nâng cao sức cạnh tranh tại các đô thị và ngày càng có đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế, dần hình thành những đô thị “đáng sống” tại tỉnh nhà./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết