Tiếng Việt | English

15/11/2022 - 12:20

Phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của gia đình

Phát huy lợi thế nghề truyền thống 50 năm của gia đình, chị Nguyễn Thị Hồng Thêm - chủ Cơ sở mắm tôm Hải Đăng (ấp 6, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), mạnh dạn mở rộng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Kế nghiệp xưởng sản xuất mắm tôm từ gia đình, chị Hồng Thêm không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Với chị, làm mắm tôm không chỉ để mưu sinh mà còn nối tiếp nghề truyền thống của gia đình. Có lẽ chính cái tâm và niềm đam mê là động lực giúp chị đưa sản phẩm của gia đình ngày càng vươn xa trên thị trường.

Nhanh tay mở từng hồ ủ để kiểm tra sản phẩm, chị Hồng Thêm cho biết: “Làm mắm tôm là nghề truyền thống của gia đình từ 50 năm nay. Với mong muốn giữ gìn và phát triển nghề, tôi mở rộng sản xuất và xây dựng Cơ sở mắm tôm Hải Đăng hơn 10 năm. Để có sản phẩm mắm tôm chất lượng, mỗi công đoạn chế biến đều được thực hiện tỉ mỉ và cẩn thận. Trước tiên, tôi thu mua con ruốc ở các cửa biển. Ruốc phải tươi, ngon, sau đó ướp muối theo tỷ lệ. Tùy theo độ mặn của nước mà chúng tôi gia giảm lượng muối phù hợp. Sau khi trộn muối xong thì đem xay rồi cho vào hồ chứa ủ khoảng 8 tháng là thành phẩm”.

Với chị Nguyễn Thị Hồng Thêm, làm mắm tôm không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là sản nghiệp phải gìn giữ

Để có thể vừa phát triển sản phẩm, vừa xây dựng thương hiệu, chị Hồng Thêm không ngừng học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và mạnh dạn cải tiến quy trình sản xuất. Là cơ sở sản xuất thực phẩm nên từ việc sử dụng nguyên liệu, phương pháp sản xuất đến quy cách đóng chai đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Hiện nay, từ hộ sản xuất nhỏ, lẻ, gia đình chị Hồng Thêm mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ. Trung bình mỗi năm, cơ sở cung ứng ra thị trường hơn 600 tấn mắm tôm, doanh thu hàng tỉ đồng. Theo chị Hồng Thêm, bình thường cơ sở cung ứng khoảng 50-70 tấn nhưng những tháng cuối năm có thể bán hơn 100 tấn/tháng.

Không chỉ mang lại lợi nhuận cho gia đình, cơ sở của chị Hồng Thêm còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 6-15 triệu đồng/người/tháng. Bà Phạm Thị Ngọc Lan (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Gần 1 năm nay, tôi vào làm tại Cơ sở mắm tôm Hải Đăng, thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Lớn tuổi nên có việc làm nhẹ nhàng, phù hợp, môi trường làm việc thoải mái như thế này, tôi mừng lắm!”.

Mục tiêu mà chị Hồng Thêm hướng tới là tiếp tục mở rộng nhà xưởng, đưa sản phẩm đến các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ. “Hiện nay, tìm kiếm cơ hội việc làm chẳng phải là điều dễ dàng. Tôi may mắn có một nền tảng tốt để phát triển nên phải cố gắng, dành hết tâm huyết với nghề” - chị Hồng Thêm cho biết thêm.

Thời gian qua, cùng với nhu cầu thị trường ngày càng tăng, thương hiệu mắm tôm Hải Đăng ngày càng được khẳng định nhờ đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mắm tôm Hải Đăng của gia đình chị Hồng Thêm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021 và được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp huyện. Đây là tiền đề quan trọng để cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương trong thời gian tới./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết