Giữ nghề
Nghề làm bánh tráng Nhơn Hòa, phường 5, TP.Tân An đã có từ lâu đời, ít nhất 100 năm theo lời những người lớn tuổi. Bí quyết làm nghề được gìn giữ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nên bánh tráng ngon và chất lượng hơn. Bây giờ, bánh tráng không những trở thành món “đặc sản” mà nghề làm bánh tráng còn tạo việc làm cho không ít lao động với mức thu nhập ổn định.
Sản phẩm bánh tráng Nhơn Hòa khá đa dạng với đủ loại tùy theo yêu cầu khách hàng
Hiện tại, làng nghề truyền thống làm bánh tráng ở khu phố Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2 có hơn 70 hộ còn theo nghề. Để gìn giữ, phát triển làng nghề, địa phương thường xuyên phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho hộ sản xuất nhằm nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm”.
Chủ tịch UBND phường 5, TP.Tân An - Nguyễn Văn Ẩn
|
Theo ông Dương Văn Đeo - Trưởng khu phố Nhơn Hòa 1 (phường 5, TP.Tân An), trước đây, khu phố có rất nhiều gia đình theo nghề làm bánh tráng nhưng đến nay đã giảm dần do sự cạnh tranh. Bà Nguyễn Thị Quý là một trong những người còn giữ nghề lâu năm bởi vì kế sinh nhai và lòng yêu nghề. Bà Quý chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 đời làm bánh tráng. Riêng tôi theo nghề ngót nghét 40 năm. Mỗi ngày, công việc bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 20 giờ. Mỗi ngày, tôi tráng được 10kg bột, cho ra khoảng 500 cái bánh”. Bà Quý làm bánh hoàn toàn thủ công, sản lượng làm ra ít nhưng bù lại chất lượng chẳng kém bánh làm bằng máy móc. Để có chiếc bánh ngon, bà Quý đã đúc kết kinh nghiệm thực tế cũng như công thức riêng cùng yếu tố kỹ thuật. Nhưng yếu tố quan trọng để phân biệt “tên tuổi” giữa các lò bánh là cách pha bột với gia vị để bánh có mùi vị đậm đà, dẻo, ngon hơn. Kỹ thuật đổ bánh, thời gian phơi nắng cũng góp phần làm nên chiếc bánh chất lượng.
Nếu như bà Quý chọn giữ nghề bánh bằng thủ công thì nhiều hộ gia đình khác phát triển nghề thông qua đầu tư trang thiết bị hiện đại để đưa sản phẩm ra thị trường với số lượng lớn. Theo nghề làm bánh tráng đã lâu, năm 2016, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ đầu tư 1 máy tráng bánh. Bà Huệ bộc bạch: “Làm bánh bằng máy, tôi phải thuê 8 lao động, trong đó, 3 người đứng máy, 2 người phơi bánh, 3 người đếm bánh. Bình quân mỗi ngày, gia đình làm ra khoảng 3.500 cái. Ưu điểm của làm bánh tráng bằng máy là tăng số lượng bánh làm ra mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường với số lượng lớn, hơn nữa bánh có độ mỏng vừa phải”. Hiện bà Huệ chuyên sản xuất bánh tráng phơi sương do có giá thành cao so với những loại bánh tráng thông thường. Tuy vậy, làm bánh tráng phơi sương phải mất nhiều công đoạn hơn, vừa phơi nắng, vừa phơi sương vào buổi tối. Tùy theo số lượng mua, bánh có giá dao động từ 33.000-36.000 đồng/xấp (50 cái). Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng chọn bánh tráng phơi sương do ưu điểm về độ dẻo, khi dùng không cần phải thấm nước.
Độ dẻo, vị bánh vừa, không quá mặn là yếu tố quan trọng giúp bánh tráng Nhơn Hòa cạnh tranh được với các làng nghề làm bánh tráng khác.
Tập trung hỗ trợ
Nghề gỗ, chạm khắc gỗ được du nhập vào khu vực miền Nam và tồn tại hàng trăm năm qua, trong đó có Long An. Nhiều thế hệ giữ, phát triển nghề, tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng đa dạng, mới lạ phục vụ các công trình kiến trúc nơi công cộng, vật dụng trang trí trong gia đình. Nếu như trước đây, nghề gỗ hay chạm khắc đều hoàn toàn trải qua nhiều công đoạn thủ công thì nay, người làm nghề có thể ứng dụng trang thiết bị vào sản xuất thông qua máy khắc tự động (CNC).
Công ty Đại Lâm Mộc chuyên chế biến, gia công gỗ, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp ứng dụng trong trang trí nội thất, vách ngăn, tủ, kệ, sản phẩm lắp ghép thông minh
Việc hỗ trợ doanh nghiệp từ chương trình khuyến công rất có ý nghĩa. Nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình là động lực, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết được vấn đề khan hiếm lao động”.
Giám đốc Cty TNHH Đại Lâm Mộc - Nguyễn Tiến Lĩnh
|
Một trong những người theo nghề mộc, chạm khắc gỗ là Doanh nghiệp (DN) tư nhân Bùi Mai Linh (phường 7, TP.Tân An). Các sản phẩm DN làm ra rất đa dạng như tủ, bàn, ghế, cửa, tranh tượng, đồ trang trí. Theo ông Bùi Thanh Bình - chủ DN, nghề mộc, chạm khắc gỗ ngày càng mai một, lao động tay nghề cao ngày càng hiếm, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay rất phong phú. Mong muốn lớn nhất của DN là đầu tư ứng dụng máy CNC vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản phẩm làm ra ít bị lỗi, không hao phí nguyên liệu. Năm 2019, DN được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC, thuộc Sở Công Thương) lập đề án, hỗ trợ DN từ chương trình khuyến công địa phương để đầu tư máy CNC với số tiền 100 triệu đồng. Có được máy CNC, DN có thể phát triển mạnh mẽ nghề mộc, điêu khắc gỗ, đáp ứng thị hiếu của người dùng, hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh so với các cơ sở cùng ngành nghề.
Công ty (Cty) TNHH Sản xuất - Xây dựng - Thương mại Đại Lâm Mộc (phường 4, TP.Tân An) chuyên chế biến, gia công gỗ, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp ứng dụng trong trang trí nội thất, vách ngăn, tủ, kệ, sản phẩm lắp ghép thông minh, đặc biệt là các chi tiết trang trí sân khấu, cổng chào tiệc cưới, sự kiện. Cty được thành lập từ năm 2016, có 2 máy CNC và 1 máy khắc laser để gia công sản phẩm cho khách hàng. Không khác biệt so với các ngành nghề khác, yêu cầu về chất lượng và số lượng sản phẩm của khách hàng ngày càng cao, Cty luôn có nhu cầu đầu tư thêm máy móc để đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, là DN nhỏ và vừa, nguồn vốn còn hạn chế, việc đầu tư máy là vấn đề khó. Trước khó khăn của Cty, qua tìm hiểu và khảo sát, TTKC đã lập đề án hỗ trợ với số tiền gần 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2020. Với đề án này, TTKC sẽ phối hợp Cty đầu tư thêm 1 máy CNC có 3 đầu cắt (máy có giá trị gần 200 triệu đồng), năng suất gấp 3 lần so với máy cũ mà Cty hiện có.
Giám đốc Cty TNHH Đại Lâm Mộc - Nguyễn Tiến Lĩnh cho biết: “Sau dịch bệnh Covid-19, các đơn hàng bắt đầu nhiều hơn. Với sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công, chắc chắn Cty có thể đáp ứng kịp nhu cầu từ khách hàng, phát triển thêm khách hàng mới. Dự tính, Cty sẽ mở rộng xưởng sản xuất, xây dựng khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tuyển thêm lao động”.
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn cũng như thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, các DN, cơ sở sản xuất đều là DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ, nguồn vốn còn hạn chế, cần được hỗ trợ. Nhiều năm qua, Sở dành nguồn kinh phí từ chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công hỗ trợ, giúp các DN, cơ sở có tiềm năng cũng như các sản phẩm có chất lượng thực hiện quảng bá, tìm đầu ra, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nhằm giữ nghề một cách bền vững.
NHÓM PV