Tạo điều kiện thuận lợi nhất
Một trong ba chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, tỉnh chủ động đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động hiệu quả; phân luồng học sinh học THCS sang học nghề; tích cực triển khai Đề án Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn,...
Khi tham gia học nghề, học sinh, sinh viên được dạy 70% thực hành, 30% lý thuyết
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng chia sẻ: Trường Cao đẳng Long An là cơ sở giáo dục nghề công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (TB-LĐ&XH). Thời gian qua, trường luôn được sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị dạy nghề, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động. Nhờ vậy, trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm trên 95%.
Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH còn tạo điều kiện cho trường liên kết với Công ty (Cty) TNHH ESUHAI trong việc đào tạo tuyển sinh đưa học sinh, sinh viên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả, đến nay, trường đang phối hợp Cty TNHH ESUHAI dạy tiếng Nhật cho hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên, trong đó có 24 học sinh, sinh viên đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (14 học sinh, sinh viên đã xuất cảnh, đi làm việc ở Nhật Bản).
Đào tạo nghề là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đề án Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2020-2025 là một trong những biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Đại Tánh khẳng định: “Mục tiêu của Đề án không chỉ giúp tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động mà khi người lao động trở về nước sẽ có một trình độ tay nghề, kỹ năng làm việc hiện đại, tiên tiến. Và đây cũng là nguồn nhân lực có chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Để thực hiện tốt Đề án, Sở đã tìm kiếm, lựa chọn được nhiều doanh nghiệp uy tín, có chất lượng về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cty TNHH ESUHAI là một trong những doanh nghiệp được lựa chọn. Theo đó, tỉnh tạo điều kiện cho Cty đặt văn phòng tư vấn tuyển dụng và đào tạo tiếng Nhật tại Trường Cao đẳng Long An; phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển dụng. Riêng đối với người lao động có hộ khẩu tại tỉnh Long An muốn tham gia đi làm việc ở nước ngoài, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ hỗ trợ vay vốn 100% theo hợp đồng đã ký kết”.
Em Bùi Minh Triết - sinh viên Trường Cao đẳng Long An, xác định sau khi hoàn thành chương trình trung cấp nghề sẽ đi làm việc tại Nhật. Triết trải lòng: “Khi kết thúc năm nhất, em bắt đầu đăng ký học tiếng Nhật để tham gia làm việc ở nước ngoài sau khi hoàn thành trung cấp nghề. Em xác định qua Nhật không chỉ làm việc mà còn học được tác phong, kỹ năng làm việc và tiếp cận được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại. Sau khi về nước, em tin rằng mình sẽ dễ dàng xin được việc làm trong các Cty có vốn đầu tư từ Nhật và có thể ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý”.
Tiếp tục nỗ lực
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đào tạo 10.320/23.000 lao động, đạt 44,87%. Lao động qua đào tạo đạt 72,49%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,41%. Cùng với đó, tỉnh đưa 259 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 25,9% kế hoạch. Với những kết quả trên cho thấy, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An - Châu Hải Bằng chia sẻ: “Năm 2022, công tác tuyển sinh của trường gặp rất nhiều khó khăn, có một số ngành nghề không thể mở được lớp do không có người học. Nguyên nhân, xã hội vẫn còn quan niệm “trọng thầy hơn thợ”; công tác phân luồng học sinh ở các địa phương chưa sát với tình hình thực tế; tuyển sinh đào tạo trung cấp, cao đẳng phải chờ sau khi có kết quả thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT”.
Công ty TNHH ESUHAI tổ chức dạy tiếng Nhật tại Trường Cao đẳng Long An
Chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - văn hóa và xã hội ở các địa phương. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một yếu tố sống còn, góp phần cho xã hội ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ông Nguyễn Xuân Lanh (đại diện Cty TNHH ESUHAI) cho biết: “Qua thời gian phối hợp các địa phương tổ chức tư vấn tuyển dụng lao động đi làm việc ở Nhật, tôi nhận thấy công tác tuyên truyền, hướng nghiệp ở các địa phương vẫn còn hạn chế; nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của chương trình đi làm việc ở nước ngoài,…”.
Nhằm khắc phục khó khăn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Nguyễn Đại Tánh cho biết, thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thay đổi phương thức tư vấn phân luồng học sinh, trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền cho phụ huynh; phương pháp hướng nghiệp và giới thiệu việc làm phải kết hợp với doanh nghiệp, phụ huynh và giáo viên; chương trình đào tạo nghề phải thường xuyên đổi mới, nhất là phải kết hợp với các trường nghề uy tín, chất lượng với phương châm đào tạo các ngành nghề theo thị trường cần; đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải mời được các chuyên gia, những người thợ giỏi hoặc những người thành công trong sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đào tạo nghề. Riêng Đề án Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần thực hiện quyết liệt, trong đó chú ý công tác tuyên truyền đến từng đối tượng, nhất là phụ huynh.
Tin rằng, với những nỗ lực và các giải pháp cụ thể, thời gian tới, tỉnh sẽ tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc và có nguồn nhân lực tốt đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.
"Chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - văn hóa và xã hội ở các địa phương. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một yếu tố sống còn, góp phần cho xã hội ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”. |
Lê Ngọc