Nhờ được công nhận OCOP, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Mỹ (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin dùng
Những tín hiệu tích cực
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, Chương trình OCOP từ khi được triển khai đến nay nhận được sự quan tâm của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều sản phẩm của các HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, nhiều sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) là một trong số những HTX trên địa bàn tỉnh tiên phong xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Theo đó, sản phẩm cải xanh của HTX đã đạt chuẩn OCOP 4 sao, điều này không chỉ khẳng định, nâng tầm thương hiệu cải xanh của HTX mà còn góp phần tăng uy tín, củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với các loại rau khác mà HTX sản xuất.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy, hiện HTX hoàn tất hồ sơ để công nhận lại sản phẩm OCOP 4 sao đối với sản phẩm cải xanh; đồng thời, tiếp tục xây dựng, phát triển các loại rau khác như cải ngọt, hành lá,... đạt chuẩn OCOP. Thời gian tới, HTX nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất để đề nghị công nhận sản phẩm OCOP đối với các loại rau này.
Công nhân Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp (xã Long Khê, huyện Cần Đước)sơ chế rau trước khi giao cho khách hàng
Còn tại huyện Cần Giuộc, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm rau ăn lá, HTX Rau an toàn Phước Hiệp (ấp Trong, xã Phước Hậu) còn tích cực tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, HTX có 5 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Hành lá, cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách xoong, rau ngót.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hiệp - Trần Thanh Minh cho biết, việc được công nhận OCOP giúp sản phẩm của HTX tăng thêm uy tín trên thị trường và cũng là cơ hội để HTX mở rộng hợp tác, liên kết tiêu thụ. Hiện nay, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, HTX cũng thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Huyện Tân Thạnh là địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh với thế mạnh là cây lúa và cây sen. Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP huyện tăng cường chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai đến các xã, thị trấn. Kết quả bước đầu tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước khẳng định thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của huyện trên thị trường.
Đến nay, toàn huyện xây dựng được 8 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong đó, có 3 sản phẩm từ các HTX là 2 sản phẩm bột sen Hải Nhơn và trà tim sen Hải Nhơn của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn (xã Nhơn Hòa) và sản phẩm gạo sạch Tân Thạnh ST25 của HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tân Thịnh (xã Nhơn Hòa Lập).
Sản phẩm trà tim sen Hải Nhơn của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn (xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh) được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn - Ngô Thị Mỹ Dung thông tin: Trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng sen lấy gương và bán cho thương lái ở tỉnh Đồng Tháp nên khá bấp bênh. Vì vậy, chúng tôi thành lập HTX để tự đưa các sản phẩm sen của địa phương ra thị trường. Hiện HTX có 15 thành viên, với 30ha sen.
“Thế mạnh của HTX là các sản phẩm được chế biến từ sen. HTX đã có 2 sản phẩm là bột sen và trà tim sen được công nhận OCOP 3 sao. Hiện HTX phát triển thêm 2 sản phẩm là hạt sen chuỗi và chè hạt sen để được công nhận sản phẩm OCOP trong thời gian tới” - bà Ngô Thị Mỹ Dung thông tin thêm.
Cần đẩy mạnh thực hiện
Hiện toàn tỉnh có 231 sản phẩm OCOP; trong đó, có 47 sản phẩm OCOP 4 sao, 184 sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên, các đơn vị đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh đa phần đều là doanh nghiệp và hộ kinh doanh gia đình, số lượng HTX có sản phẩm OCOP chiếm rất ít. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 300 HTX hoạt động nhưng chỉ có 13 HTX có sản phẩm OCOP. Con số này thật sự quá ít so với tiềm năng hiện có của tỉnh.
Theo chia sẻ của nhiều HTX, việc phát triển sản phẩm OCOP đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP đòi hỏi các HTX phải mở rộng sản xuất, phải thay đổi công nghệ, có liên kết chuỗi giá trị và cần nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, hiện hầu hết các HTX có quy mô nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, liên kết theo chuỗi giá trị, đầu ra sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, các sản phẩm hàng hóa HTX của tỉnh dù rất phong phú về chủng loại, số lượng, chất lượng nhưng do các HTX chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói và các loại giấy chứng nhận cần thiết như an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ,... Vì vậy, hầu hết sản phẩm của HTX chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, sức cạnh tranh trên thị trường thấp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết; nhiều HTX có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực nội tại chưa mạnh, khả năng phát triển sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, chưa mạnh dạn mở mang ngành nghề, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với lợi thế địa phương và cơ chế thị trường; nhiều HTX chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chủ lực, phần lớn là các sản phẩm thô chưa qua chế biến;....
Các sở, ngành tỉnh thường xuyên tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP của tỉnh được tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh
“Để cải thiện tình trạng này, thời gian tới, Sở tập trung phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ các HTX xác định hàng hóa chủ lực, hướng đến sản xuất gắn với thị trường, đặc biệt là chú trọng việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cá nhân, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Riêng đối với các HTX đã có sản phẩm OCOP, Sở tạo điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh,... Ngoài ra, Sở đẩy mạnh công tác tập huấn, phát triển sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm,…” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng các cấp, sản phẩm gạo Tân Thạnh ST25 của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao vào tháng 5/2023. Đây là niềm vui, tự hào của các thành viên HTX. Đặc biệt, khi tham gia Chương trình OCOP, HTX còn được hỗ trợ 1 máy xay xát, tem truy xuất nguồn gốc và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do các sở, ngành tỉnh tổ chức”.
Giám đốc HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tân Thịnh (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) - Bùi Văn Song
Sau thời gian nỗ lực, tháng 7/2023, sản phẩm dưa lưới của HTX đã được UBND huyện Châu Thành công nhận đạt chất lượng OCOP 3 sao. Qua đó, giúp sản phẩm dưa lưới được thị trường đón nhận, sức tiêu thụ tăng cao, hiện sản lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng của HTX từ 7-8 tấn. Không dừng lại ở đó, thông qua sản phẩm OCOP dưa lưới, HTX cũng dần khẳng định được vị trí của mình trên thị trường và trở thành địa chỉ uy tín được nhiều người tiêu dùng biết đến”.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Mỹ (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) - Nguyễn Hồng Quang
HTX hiện tập trung phát triển 2 sản phẩm là gạo hữu cơ và mứt dừa dứa để được công nhận sản phẩm OCOP. Bởi, HTX nhận thấy rằng, Chương trình OCOP là một cơ hội lớn để HTX được tiếp cận các nguồn lực, kiến thức, công nghệ mới; từ đó, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm”.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Ngân Văn Phi
|
Minh Tuệ