Tiếng Việt | English

16/09/2016 - 08:49

Phnom Penh căng thẳng

39 nước bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng chính trị đang leo thang ở Campuchia.

Bất ổn chính trị đang gia tăng ở Campuchia, xuất phát từ cuộc đối đầu giữa chính phủ Thủ tướng Hun Sen và Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập. Tình hình tại thủ đô Phnom Penh ngày càng căng thẳng kể từ khi CNRP hôm 12-9 thông báo quyết định tổ chức một cuộc biểu tình lớn trong tương lai gần nhằm yêu cầu trả lại “môi trường chính trị bình thường” để bảo đảm “bầu cử tự do và công bằng”.

Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi ông Kem Sokha, Phó Chủ tịch CNRP, bị kết án vắng mặt 5 tháng tù giam vì những cáo buộc bị đảng này xem là mang động cơ chính trị. Ông Kem Sokha đang ẩn náu bên trong trụ sở của CNRP ở Phnom Penh suốt những tuần qua để tránh bị bắt. Ngoài ra, 29 thành viên hoặc người ủng hộ đảng đối lập này cũng bị cáo buộc một loạt tội danh, trong đó 14 người đã bị kết án.


Xe tải chở binh sĩ chạy gần trụ sở CNRP ở Phnom Penh đêm 12-9 Ảnh: THE CAMBODIA DAILY

Phát biểu trước khoảng 100 người ủng hộ tại trụ sở CNRP hôm 14-9, nghị sĩ đối lập Son Chhay nói đảng của ông không hề sợ hãi trước những động thái của chính phủ và vẫn thúc đẩy kế hoạch biểu tình. Tuy nhiên, ông này cho biết CNRP chưa ấn định thời điểm tổ chức cuộc biểu tình.

Trước đó, Thủ tướng Hun Sen vào đêm 12-9 đã cảnh báo trên trang Facebook rằng sẽ mạnh tay trấn áp bất kỳ cuộc biểu tình nào của CNRP nếu có, cũng như chỉ trích đảng đối lập này đang đe dọa đến sự ổn định của đất nước. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Campuchia tuyên bố sẽ thực thi “một cách mạnh mẽ và hiệu quả” mệnh lệnh của ông Hun Sen, đồng thời quân đội sẽ “hy sinh tất cả” để bảo vệ đất nước.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình địa phương, ông Kun Kim, Phó Tổng tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia, cho rằng ý định biểu tình của Đảng CNRP là trái pháp luật. “Đảng CNRP biểu tình không phải để đòi hỏi quyền lợi cho người dân mà để bảo vệ những người phạm pháp” - ông Kim chỉ trích.

Không lâu sau khi ông Hun Sen đưa ra tuyên bố cứng rắn trên, nhiều xe tải chở thành viên Lực lượng Cảnh vệ của ông được huy động đến trụ sở CNRP vào nửa đêm 12-9. Số xe tải này dừng khoảng 30 phút trước khi rời đi. Một ngày sau, ông Hing Bun Heang, chỉ huy Lực lượng Cảnh vệ, cảnh báo họ tiếp tục giám sát nơi này trong thời gian tới. Không dừng lại ở đó, theo tờ The Sydney Morning Herald (Úc), tàu hải quân và trực thăng cũng được triển khai trong động thái “dằn mặt” phe đối lập.

Những diễn biến trên khiến Mỹ và Liên Hiệp Quốc lên tiếng lo ngại về “sự leo thang hành động đe dọa” nhằm vào nghị sĩ, người ủng hộ phe đối lập, người biểu tình ôn hòa tại Campuchia. Hạ viện Mỹ hôm 13-9 cũng thông qua nghị quyết thúc giục ông Hun Sen “chấm dứt mọi hành động đe dọa phe đối lập”, đồng thời kêu gọi Washington hỗ trợ cải cách bầu cử tại Campuchia.

Chưa hết, theo tờ Phnom Penh Post, 39 nước, trong đó có Mỹ và toàn bộ thành viên Liên minh châu Âu, hôm 14-9 đã ra tuyên bố chung tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng chính trị đang leo thang ở Campuchia. Đáp lại, Đại sứ Campuchia tại Liên Hiệp Quốc Ney Samol nhấn mạnh Phnom Penh không hoan nghênh bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ nước này. Ngoài ra, người phát ngôn chính phủ Campuchia, ông Phay Siphan, nói nghị quyết của Hạ viện Mỹ không có chút tác động nào với họ.

Ông Meas Ny, một nhà phân tích chính trị độc lập, nhận định với tờ The Cambodia Daily rằng tình hình chính trị hiện nay khiến phe đối lập không còn lựa chọn nào khác là tổ chức biểu tình. Tương tự, Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền cũng chỉ còn cách sử dụng vũ lực để trấn áp biểu tình, nếu có. Vì thế, theo ông Meas Ny, lập trường của cả 2 bên đang đẩy xã hội Campuchia vào “nỗi sợ hãi” không hề nhỏ./.

Hoàng Phương/Người lao động

Chia sẻ bài viết