Tiếng Việt | English

18/09/2024 - 07:23

Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

Thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi, ho gà, bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vì vậy, nâng cao nhận thức, phối hợp theo dõi, xử lý ca bệnh giữa trường học và y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng.

Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương trong cả nước ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần.

Tại Long An, từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 71 ca sởi dương tính (tăng 71 ca so cùng kỳ năm 2023), 29 ca sởi lâm sàng đang chờ kết quả (tăng 25 ca so cùng kỳ năm 2023); 1.775 ca tay - chân - miệng; 1.011 ca sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 28 ca nặng và 1 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Tháng 9 - mùa tựu trường cũng là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường lại có mưa nhiều, độ ẩm cao trong những ngày gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virút phát triển. Các bệnh như sởi, thủy đậu, cúm mùa, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng,... có thể lây lan nhanh và bùng phát thành dịch, đe dọa sức khỏe của trẻ nếu không có biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là đối với trẻ chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Trong môi trường học đường, trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do nhiều nguyên nhân. Một phần do hệ thống miễn dịch còn non yếu, không đủ sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh, trẻ dễ bị các vi khuẩn, virút tấn công gây bệnh, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó, trẻ em khi đến lớp tiếp xúc với đông người có khả năng bị lây nhiễm chéo, tốc độ lây truyền bệnh cũng rất nhanh. Đối với nhóm trẻ mầm non, nếu không được bảo vệ tốt, khả năng mắc bệnh càng cao hơn như các bệnh nhiễm trùng, tay - chân - miệng, các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về hô hấp,...

Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, các trường học phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng; theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh (HS), phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý. Song song đó, các trường học cần hướng dẫn trẻ em, HS thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, vệ sinh môi trường; phối hợp truyền thông, tuyên truyền, vận động gia đình, phụ huynh HS đưa trẻ em đi tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Ngành Y tế cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng, trường học, các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch tại cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh theo quy định; chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình, tham mưu UBND tỉnh kịp thời triển khai các biện pháp xử lý dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, ngành triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch.

Ngoài ra, ngành bảo đảm tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong; phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh; rà soát bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất, nhân lực,... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.

Không chỉ ngành Y tế và trường học nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, gia đình, HS cũng đóng vai trò rất quan trọng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh chú ý bảo vệ sức khỏe con mình bằng cách tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; cần thực hiện chế độ dinh dưỡng đa dạng, bổ sung rau xanh và trái cây; thực hiện ăn chín - uống sôi, góp phần nâng cao đề kháng cho con em.

Đặc biệt, phụ huynh cần cho trẻ tham gia tiêm vắc-xin theo Chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ, đúng lịch; tiêm bù, tiêm vét cho trẻ theo yêu cầu của y tế địa phương.

Sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa trường học, y tế cơ sở và phụ huynh, HS, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các trường học sẽ thuận lợi, đạt hiệu quả./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết