Nhân viên y tế thả cá diệt lăng quăng tại các hộ gia đình phòng, tránh bệnh sốt xuất huyết
Đỉnh dịch sốt xuất huyết
Mùa mưa là đỉnh dịch sốt xuất huyết (SXH). Bệnh rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Trên địa bàn tỉnh Long An, bệnh SXH xảy ra ở các huyện có dân nhập cư đông, nhiều khu, cụm công nghiệp: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An.
Để chủ động phòng bệnh, ngành y tế huyện Bến Lức thành lập đội chống dịch ở 15 trạm y tế xã, thị trấn; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng đợt 1 (từ ngày 15 đến 25/5/2018) tại những địa phương có số ca mắc cao (thị trấn Bến Lức, xã Thạnh Đức và Mỹ Yên). Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân trong thực hiện vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh SXH.
Anh Lê Minh Hải, ngụ ấp 3, xã Tân Bửu, cho biết: “Tôi thường xuyên vệ sinh nhà cửa, rửa đồ chơi, rửa tay bằng xà phòng cho CON và phòng, tránh muỗi đốt. Nhờ vậy, 2 con tôi chưa từng mắc bệnh SXH hay tay - chân -miệng (TCM)”.
Ngoài công tác điều trị, Trung tâm Y tế huyện còn lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà cách chủ động phòng một số bệnh thường gặp trong mùa mưa. Hưởng ứng Ngày Asean phòng, chống SXH năm 2018, trung tâm sẽ tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2 vào ngày 15-6-2018 tại thị trấn Bến Lức, xã Thạnh Đức và Mỹ Yên.
Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức - Đặng Thị Thu Hà cho biết: “Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện ghi nhận 52 ca mắc bệnh SXH, giảm 3 lần so cùng kỳ năm 2017. Do địa bàn đông dân cư nên để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần vào cuộc, người dân phải phối hợp và nâng cao nhận thức. Riêng ngành y tế chủ động theo dõi, giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh và xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”.
Từ đầu năm 2018 đến nay, TP.Tân An ghi nhận 42 ca mắc SXH, giảm 65% so cùng kỳ; 20 ca mắc TCM, giảm 80%; trong đó phường: 2, 4 và Tân Khánh có số ca mắc SXH cao.
Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân An - bác sĩ Lê Văn Tuấn thông tin: “Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển mạnh. Do đó, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp ban, ngành tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp nhóm, nói chuyện chuyên đề về các biện pháp phòng bệnh. Trung tâm phân công cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống SXH giám sát dịch tễ, côn trùng nhằm phát hiện sớm các ca mắc, ổ dịch và xử lý kịp thời”.
Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên đến cơ sở y tế khám và điều trị
Ngoài ra, nhân viên sức khỏe cộng đồng phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức vãng gia, khơi thông cống rãnh, thả cá diệt lăng quăng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika. Ông Nguyễn Việt Trí Nhân, ngụ khu phố Bình An, phường 3, TP.Tân An, chia sẻ: “Cán bộ trạm y tế thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn tôi đậy kín các vật dụng chứa nước, loại bỏ những vật dụng đọng nước không cần thiết xung quanh nhà để diệt lăng quăng, tránh bệnh SXH”.
Cùng chủ động phòng bệnh
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 551 ca mắc SXH, giảm 56%; 42 ca mắc TCM, giảm 60% so cùng kỳ năm 2017.
Dù số ca bệnh giảm nhiều nhưng ngành y tế không lơ là, chủ quan trong công tác phòng bệnh. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa, ngoài tập huấn về công tác điều trị, xử lý ổ dịch, trung tâm còn chỉ đạo trung tâm y tế cấp huyện tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các ổ dịch cũ; đồng thời, tăng cường công tác giám sát từ các phòng khám, khoa điều trị nội trú tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh và điều trị kịp thời. Tại các địa phương, nếu có ổ dịch thì tiến hành các biện pháp xử lý, phun thuốc dập dịch, không để lây lan trên diện rộng, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo thông tin, báo cáo thường xuyên. Ngoài ra, trung tâm chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị cần thiết. Đội chống dịch được củng cố từ tuyến tỉnh đến xã”.
Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo: “Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà, vì bệnh sẽ không khỏi mà còn lây lan nhanh. Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh: Ăn chín, uống chín; ngủ mùng cả ngày lẫn đêm; tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách để phòng bệnh SXH, bệnh do vi-rút Zika; vệ sinh cá nhân và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng, tránh bệnh TCM”.
Phun thuốc xử lý ổ dịch
Ngoài bệnh SXH và TCM, mùa mưa còn dễ làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, viêm họng, ho, sổ mũi, tiêu chảy,... Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ dinh dưỡng tốt thì có thể biến chứng viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi, gây khó khăn trong điều trị. Một số bệnh về xương khớp cũng tái phát vào mùa mưa do thời tiết thay đổi.
Ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa, rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể và người dân. Ngành y tế kêu gọi mỗi gia đình mỗi tuần dành 15 phút để diệt lăng quăng bằng cách loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết xung quanh nhà. Bởi, không có lăng quăng sẽ không mắc bệnh SXH./.
Ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa, rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể và người dân. Ngành y tế kêu gọi mỗi gia đình, mỗi tuần dành 15 phút để diệt lăng quăng bằng cách loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết xung quanh nhà. Bởi, không có lăng quăng sẽ không mắc bệnh sốt xuất huyết”. |
Ngọc Mận