Tiếng Việt | English

26/08/2017 - 11:27

Phòng, chống hiệu quả tội phạm mạng

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến khá phức tạp, chúng thâm nhập vào hệ thống ngân hàng, hàng không, các trang thông tin điện tử của một số cơ quan, bộ, ban, ngành,... gây nên những xáo trộn không nhỏ, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao đứng thứ 2 trong các loại tội phạm nguy hiểm nhất, sau tội phạm khủng bố. Do đặc thù của loại tội phạm này là hoạt động trên môi trường mạng, mọi tổ chức, cá nhân có kết nối Internet đều có thể trở thành nạn nhân. Tội phạm có thể ngồi ở quốc gia này nhưng thực hiện hành vi phạm tội ở một quốc gia khác. Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, chúng còn gây ra những thiệt hại gián tiếp: Làm mất uy tín, gián đoạn hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đặc biệt, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên Internet. Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Việt Nam, số lượng vụ việc năm sau luôn cao hơn năm trước, với tính chất tinh vi và mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.

Trước tình hình này, trước hết, chúng ta phải đầu tư về an ninh, an toàn thông tin tương ứng với quy mô của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Phối hợp các cơ quan chức năng về xử lý sự cố, đội ngũ chuyên gia nhằm đánh giá mức độ bảo mật, an toàn của hệ thống và kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong phòng ngừa, xử lý các sự cố hệ thống công nghệ thông tin. Mọi cá nhân phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, các quy định, chính sách của cơ quan, tổ chức, kiến thức cơ bản về an toàn thông tin,... để phòng, chống tội phạm mạng đạt hiệu quả cao./.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết