Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, phòng bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết
Bến Lức khẩn trương chống dịch
Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết: “Sau khi nhận được thông tin trên địa bàn có 1 trường hợp nhiễm vi-rút Zika vào chiều ngày 20/10/2016, Trung tâm Y tế huyện phối hợp Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đến khu vực có ca bệnh để điều tra côn trùng, diệt lăng quăng, phun thuốc và lập danh sách hộ dân với bán kính 200 mét, trong đó, đặc biệt quan tâm đối với phụ nữ có thai. Đến ngày 22/10/2016, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu (BCĐ CSSKBĐ) huyện họp mở rộng, có các thành viên BCĐ CSSKBĐ của xã tham dự nhằm thông qua kế hoạch phòng, chống dịch của huyện.
Theo đó, Bến Lức kiện toàn BCĐ CSSKBĐ các cấp; rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh ở huyện, xã, thị trấn. Khẩn trương thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch 24/24 giờ như: Phun thuốc diệt lăng quăng; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thuốc, hóa chất để đẩy lùi dịch bệnh. Đặc biệt, huyện lập danh sách các thai phụ trên địa bàn, hướng dẫn thai phụ cách theo dõi và dặn dò khám ngay tại các cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh. Song song đó, ngành Y tế huyện phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hệ thống cụm loa, đài trong toàn huyện và thực hiện vãng gia, phát tờ rơi để tuyên truyền trong nhân dân theo phương châm “Không gây hoang mang nhưng không làm cộng đồng chủ quan với dịch bệnh”. Huyện tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn và phun thuốc diệt lăng quăng mở rộng, phủ hết toàn thị trấn”.
Chị Phan Thị Thanh Thảo, chủ nhà trọ Phương Linh (khu phố 8, thị trấn Bến Lức) luôn hưởng ứng và đồng hành cùng ngành Y tế trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chị Thảo chia sẻ: “Nhà trọ có 25 phòng nên tôi luôn vận động các gia đình trong nhà trọ giữ gìn vệ sinh phòng ở và môi trường sạch sẽ, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) và Zika”. Ông Hồ Văn Mãnh, ở khu phố 8, thị trấn huyện Bến Lức chia sẻ: “Qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được bệnh SXH và Zika là do muỗi truyền. Vì vậy, gia đình tôi luôn chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng bệnh”.
Phun xịt hóa chất diệt muỗi tại khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức
- Bệnh do vi-rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn chích và có thể gây thành dịch. - Bệnh có biểu hiện: Sốt, nổi ban trên da, đau đầu, đau cơ,... - Bệnh thường diễn biến lành tính, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong. - Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. - Vi-rút Zika có thể gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sinh ra từ những bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai 3 tháng đầu. Trẻ bị chứng đầu nhỏ thường chậm phát triển trí tuệ, thể chất. |
Tăng cường phòng dịch trong toàn tỉnh
Căn cứ tình hình và đặc điểm dịch tễ, nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thì vi-rút Zika có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là huyện công nghiệp có đông dân cư tập trung sinh sống đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp sẵn sàng ứng phó dịch bệnh.
Phó Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - Lê Văn Lanh thông tin: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn đang ổn định, thế nhưng, ngành Y tế huyện không chủ quan với dịch bệnh SXH, tay - chân - miệng, đặc biệt là vi-rút Zika. Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện thực hiện 3 chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH bao phủ 17 xã, thị trấn. Riêng đối với các xã có nguy cơ bùng phát dịch cao tại vùng hạ (Long Hựu Tây, Tân Chánh), người dân thường trữ nước để sử dụng thì ngành Y tế thực hiện 2 chiến dịch ở mỗi xã. Các xã có nhiều cơ sở sản xuất tập trung đông dân thì chúng tôi tăng cường tuyên truyền giúp người dân nâng cao kiến thức và chủ động phòng dịch”.
Trưởng phòng Y tế huyện Đức Hòa - Lê Văn Xành cho biết: "Huyện huy động các ban, ngành, đoàn thể thành lập đoàn giám sát các xã có số ca mắc SXH cao. Ngành Y tế tham mưu UBND huyện chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; ký kết liên tịch phối hợp giữa UBND xã, thị trấn và Phòng Y tế phòng, chống dịch SXH, Zika. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sao chép đĩa, USB để phát cho các xã, ấp tuyên truyền phòng, chống dịch; củng cố hệ thống đài, loa phát thanh ở ấp; thả cá bảy màu, thả muối vào các vật dụng chứa nước, phát tờ bướm, tờ rơi để người dân có thêm kiến thức phòng, chống dịch bệnh. Do địa bàn có trên 10 khu, cụm công nghiệp ở các xã: Đức Hòa Hạ, Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam, Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng nên dân nhập cư đông và nhiều nhà trọ, điều kiện sinh hoạt không bảo đảm, đồng thời, có một số xã giáp huyện Bến Lức nên nguy cơ bùng phát dịch SXH, Zika rất lớn. Vì vậy, Đức Hòa chủ động tổ chức phun thuốc diệt muỗi toàn xã Đức Hòa Hạ và ấp 5, ấp 1 của xã Đức Hòa Đông. Từ đầu năm 2016 đến nay, ngành Y tế phun thuốc 155 ổ dịch SXH nhỏ phát sinh và vận động người dân thực hiện giải pháp phòng bệnh lâu dài là diệt muỗi, diệt lăng quăng”.
Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Y tế - Tiến sĩ Võ Thị Dễ trong cuộc họp báo ngày 24-10-2016, trước tình hình Long An có 1 ca nhiễm vi-rút Zika, ngành Y tế khẩn trương thực hiện một số giải pháp nhằm khoanh vùng, xử lý ổ dịch và sẵn sàng vào tình huống 2 là Long An có ca bệnh. Cụ thể, Sở Y tế tham mưu BCĐ CSSKBĐ tỉnh thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Dũng chỉ đạo tất cả các ban, ngành liên quan vào cuộc để phòng, chống dịch không chỉ riêng trên địa bàn huyện Bến Lức mà sẽ thực hiện trong toàn tỉnh, vì ngành Y tế xác định Bến Lức có ca nhiễm vi-rút là liên quan đến muỗi. Như vậy, công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng tốt sẽ giúp chúng ta vừa phòng, chống được bệnh SXH, vừa phòng, chống bệnh Zika. Bên cạnh thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành cũng họp BCĐ CSSKBĐ của huyện, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, hóa chất, thuốc men sẵn sàng chống dịch tại cộng đồng cũng như công tác điều trị tại các trung tâm y tế, các bệnh viện trong tỉnh. Điều mà ngành Y tế đặc biệt quan tâm là động viên các sản phụ trên địa bàn huyện Bến Lức ở bán kính gần, chia sẻ cho họ các thông tin nhằm theo dõi sát thai kỳ và thực hiện các biện pháp tốt nhất để phòng, chống nhiễm vi-rút Zika.
Khoảng 80% số ca nhiễm vi-rút Zika không có triệu chứng lâm sàng nên khó phát hiện bệnh. Vì vậy, Sở Y tế Long An mong muốn người dân đồng hành cùng ngành Y tế phòng, chống vi-rút Zika. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân dành 15 phút mỗi ngày để dọn dẹp cảnh quan môi trường, xử lý những nơi có nước đọng để diệt lăng quăng, diệt muỗi. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh Zika cũng như SXH.
Với phụ nữ có thai và dự định có thai: Nếu phải đến các khu vực có dịch, cần chủ động thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm vi-rút Zika theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Sau khi về từ các khu vực có dịch, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm phát hiện sớm yếu tố lây nhiễm. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh./. |
Ngọc Mận - Phạm Ngân