Tiếng Việt | English

07/04/2018 - 23:05

Phong trào Không liên kết khẳng định sức sống trong thế kỷ 21

Để có thể giữ vững và nâng cao hơn vai trò của NAM trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, phong trào cần có những định hướng mới, những hình thức hoạt động mới nhằm thích ứng với những biến đổi hiện nay.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: TTXVN phát)

Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 18 tại Azerbaijan với chủ đề "Thúc đẩy hoà bình và ổn định vì sự phát triển bền vững" vừa bế mạc với việc thông qua Văn kiện khẳng định những nguyên tắc vốn đã định hình hoạt động của tổ chức này kể từ khi thành lập năm 1961, trong đó tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện cần thiết để duy trì hòa bình, an ninh quốc tế vì phát triển.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng đề ra định hướng phát triển trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của NAM trong tình hình mới.

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có những biến động phức tạp khi xung đột và bạo lực vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi, hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu mới đang nổi lên. Đặc biệt, khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các nước giàu và các nước nghèo, kéo theo nhiều vấn đề do đói nghèo gây ra như xung đột vũ trang, mâu thuẫn sắc tộc, bất ổn gia tăng... Các nước ở thế giới thứ 3 bị gạt ra ngoài lề của tiến trình toàn cầu hóa, trong khi sự can thiệp của các nước lớn vào các nước thế giới thứ ba vẫn nặng nề.

Tất cả những biến động đó trở thành lực cản đối với sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Bởi vậy, hội nghị bộ trưởng NAM lần thứ 18 tập trung thảo luận các biện pháp đối phó với các thách thức toàn cầu, khu vực, phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế và khu vực; thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các nước thành viên.

Bên cạnh đó, hội nghị lần này cũng là dịp để các nước thành viên đánh giá lại phương thức hoạt động của NAM theo hướng nỗ lực thích ứng với những biến chuyển phức tạp của tình hình chính trường thế giới.

Ra đời khi cao trào giải phóng dân tộc làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ và trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới, NAM là biểu thị ý chí của các nước độc lập non trẻ Á, Phi, Mỹ Latinh đoàn kết đấu tranh bảo vệ và củng cố độc lập chính trị, từng bước giành độc lập kinh tế, bảo vệ hoà bình thế giới để tồn tại và phát triển.

Phong trào hoạt động với tôn chỉ đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, thủ tiêu chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới, theo năm nguyên tắc chỉ đạo: hoà bình; độc lập; phát triển; không liên kết và không tham gia khối, nhóm quân sự, chính trị nào.

Chính sách không liên kết với khối chính trị đã giúp các thành viên không bị vướng vào cuộc xung đột thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, sau hàng chục năm phát triển, vấn đề đặt ra là phong trào cần đổi mới cho phù hợp với những yêu cầu đặt ra trong thế kỷ 21. Đặc biệt, để có thể giữ vững và nâng cao hơn vai trò của NAM trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, phong trào cần có những định hướng mới, những hình thức hoạt động mới nhằm thích ứng với những biến đổi hiện nay.

Tại hội nghị lần này, các đại biểu nhất trí NAM cần tiếp tục thúc đẩy các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng, đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN phát)

Hội nghị cũng đã bao quát một số vấn đề nổi cộm tác động tới các thành viên, như kêu gọi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương, kêu gọi chấm dứt cấm vận đối với Cuba, ủng hộ các quyền chính đáng của người Palestine...

Các thành viên cũng cam kết đoàn kết chống lại các hành động khủng bố dưới mọi hình thức, cũng như tiếp tục nỗ lực nhằm đạt được một thế giới không vũ khí hạt nhân và ủng hộ thành lập vùng không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Trung Đông.

Nhằm khẳng định hơn nữa vai trò và vị thế của mình, các đại biểu cũng nhất trí rằng NAM cần phải tích cực, chủ động hơn trong việc phối hợp với Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực nhằm chống các chính sách cường quyền, chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy hợp tác đa phương trên nguyên tắc bình đẳng. Phong trào cũng cần có những sáng kiến cụ thể trong việc phối hợp với các tổ chức khu vực nhằm tìm kiếm những giải pháp hóa giải các xung đột, tranh chấp có liên quan tới các thành viên.

NAM cần tận dụng lợi thế đông đảo thành viên của mình để có thể đóng góp hơn nữa trong quá trình giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực và nguồn nước. Để đưa phong trào tiếp tục phát triển, NAM cần việc mở rộng kết nạp thành viên mới của phong trào với điều kiện các nước đều bày tỏ lập trường phản đối thế giới đơn cực, ủng hộ nền độc lập của các quốc gia, thúc đẩy hợp tác vì sự tiến bộ xã hội; tăng cường sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước thành viên trong việc phát triển kinh tế; xây dựng trụ sở thường trực của phong trào tại 3 châu lục Á, Phi, Mỹ Latinh nhằm điều phối các chương trình hợp tác...

Với tư cách là một thành viên không liên kết đã có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động của NAM từ khi thành lập tới nay, lần này, Việt Nam cũng đưa ra nhiều đề xuất quan trọng vào việc xây dựng các văn kiện của hội nghị, cũng như một số khuyến nghị cụ thể nâng cao vai trò của phong trào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại.

Các đề xuất của đại biểu Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn bởi đã gắn được những vấn đề thời sự hiện nay với mục tiêu chung của tổ chức. Để phát huy vai trò trong thời gian tới, Việt Nam đề xuất phong trào cần đi đầu trong việc thúc đẩy đảm bảo hòa bình và an ninh dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc, đóng vai trò chủ động và tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế như Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; cải tổ hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm, sáng tạo nhằm bảo đảm lợi ích của các nước đang phát triển.

Từ 25 thành viên ban đầu, giờ đây NAM đã quy tụ hầu hết các nước đang phát triển với 125 thành viên, chiếm gần 60% tổng số thành viên Liên hợp quốc, hơn 50% dân số thế giới. Sự đoàn kết của các thành viên NAM đã tạo ra một sức mạnh to lớn góp phần giải quyết những vấn đề của thế giới thứ 3 như đập tan hệ thống thuộc địa vào giữa thập kỷ 70 của thế kỷ 20; chống chủ nghĩa Apatheid ở Nam Phi; yêu cầu các nước công nghiệp phát triển, các đế chế thực dân cũ phải có trách nhiệm giải quyết những hậu quả kinh tế mà chính họ gây ra...

Các thành viên của phong trào đã cùng với các lực lượng tiến bộ khác nỗ lực đấu tranh nhằm chấm dứt chạy đua vũ trang, phi hạt nhân hóa và giải trừ quân bị. Tất cả những thành công này của NAM đã góp phần thúc đẩy kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Đứng trước nhiều thách thức hiện nay, với tư cách là là diễn đàn thu hút được đông đảo các quốc gia đang phát triển, NAM cần đổi mới để có thể tiếp tục đóng vai trò là một tập hợp lực lượng chính trị hùng hậu, là diễn đàn quan trọng để các thành viên, gồm các nước đang phát triển hình thành tiếng nói chung đối với các vấn đề toàn cầu quan trọng liên quan hòa bình, an ninh ổn định và phát triển bền vững. Cùng với sự đoàn kết và thúc đẩy hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, các thành viên đang ngày càng chủ động đóng góp vào các vấn đề mang tính toàn cầu, qua đó khẳng định sức sống và vị thế của NAM./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết