Tự hào phụ nữ Việt Nam - Ảnh dự thi của Vũ Ngọc Hoàng
Từ ngày mai 21-10, triển lãm cuộc thi ảnh phóng sự Việt Nam - Đất nước - Con người với 55 phóng sự ảnh phong phú sẽ “đổ bộ” xuống đường sách Nguyễn Bình (TP.HCM).
Cuộc thi phóng sự ảnh Việt Nam - Đất nước - Con người do báo Tuổi Trẻ và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức được phát động từ ngày 25-8-2015 đến 30-7-2016 với tổng cộng 875 phóng sự ảnh (gồm 8.593 bức ảnh) của 299 tác giả trên cả nước dự thi.
Bám vào hiện thực cuộc sống để phản ánh, các phóng sự của cuộc thi thể hiện phong phú những đề tài thiết thực, nhân sinh của cuộc sống sinh động hôm nay trong mọi lĩnh vực: làng nghề, lễ hội, văn hóa, mưu sinh, quân ngũ…
Ba cô gái ở Mù Căng Chải - Ảnh dự thi của Nguyễn Thế Bằng
Trong đó, đời sống phụ nữ là một đề tài chiếm sự quan tâm rất lớn của các phóng sự ảnh.
Ấn tượng và cảm động như phóng sự ảnh Người mẹ bán xôi và đứa con bị ung thư của Ngọc Dương về cuộc đời chị Huỳnh Thị Ngọc Diệp (Cần Thơ) với đứa con nuôi bị ung thư của mình.
Hay phóng sự ảnh Bán vé số nuôi cháu tật nguyền của Nguyễn Đông, ghi lại cảnh đời của những người phụ nữ quê Phú Yên vào Sài Gòn bán vé số kiếm sống.
Cô dâu Chăm hiện ra xinh đẹp và lộng lẫy với đám cưới giàu truyền thống trong phóng sự ảnh đám cưới Chăm của Mễ Thành Thuận. Những nghi thức hầu đồng, gợi nhớ nguồn cội văn hóa thờ mẫu của tâm linh Việt trong phóng sự ảnh của Nguyễn Á.
Tiếp mạch đề tài văn hóa, hình ảnh người phụ nữ với làng nghề truyền thống là phóng sự ảnh về nghề làm chiếu ở Quảng Xương - Thanh Hóa của Lại Diễm Đàm.
Phụ nữ các dân tộc Việt Nam - Ảnh dự thi của Vũ Ngọc Hoàng
Phản ánh phụ nữ trong cuộc sống lao động hôm nay là phóng sự ảnh về phụ nữ sắc tộc Mông hái chè tuyết ở Sơn La của Nguyễn Trọng Chính, những người phụ nữ La Chí với nghề dệt vải truyền thống ở Hà Giang trong phóng sự ảnh của Đỗ Hùng.
Cùng với những người phụ nữ Tây Bắc những người phụ nữ mò ốc vất vả mưu sinh ở Quảng Bình trong phóng sự ảnh của Ngọc Dương, những bóng hồng làm công việc nặng nhọc nơi bãi đá Đồng Nai trong buổi trưa nắng, trang phục và gương mặt thấm mặn những giọt mồ hôi trong phóng sự ảnh của Hảo Đinh.
Việc ghi lại hình ảnh người phụ nữ gợi cho các tác giả dự thi những cảm xúc khác nhau. Tác giả Hảo Đinh cho biết để chụp những người phụ nữ nơi bãi đá Đồng Nai, cô phải thức dậy từ sáng sớm ra đạp xe đạp ra bãi đá như những người phụ nữ vất vả ở đó.
Cả ngày chụp ảnh xong, Hảo Đinh lại đạp xe đạp về với sự mệt mỏi của cơ thể, nặng nề của đôi chân như họ.
Hảo Đinh chia sẻ về công việc chụp ảnh những người phụ nữ làm công việc nặng nhọc của đàn ông: “Đối với chúng ta đó là một câu chuyện thú vị, nhưng với họ là sự vất vả. Cho nên, tôi phải đạm xe, dang nắng… như họ để đi hết sự đồng cảm, và chắt lọc được những hình ảnh tốt nhất về công việc nặng nhọc của họ. Chính sự đồng cảm và hcia sẻ là động lực để tôi thực hiện những phóng sự ảnh như vậy!”.
Còn với tác giả Đỗ Hùng, khi chụp ảnh người phụ nữ La Chí, Mông… ở Tây Bắc anh có cảm tưởng: “Phụ nữ trên ấy dường như làm tất cả mọi thứ việc, từ việc đồng áng đến bếp núc, may vá… Tôi có cảm tưởng họ gánh việc nhiều hơn cánh đàn ông!”.
Đỗ Hùng cũng nhận xét rằng phụ nữ người Mông thích có làm đẹp trong những ngày hội, những phiên chợ... Còn phụ nữ La Chí dường như không nghĩ đến việc làm đẹp, hoặc không có thời gian để nghĩ đến việc làm đẹp.
Còn để chụp ảnh họ, Đỗ Hùng cho biết: “Lúc đầu họ cũng sợ, e ngại. Nhưng tôi năn nỉ, chụp một hai lần cho họ xem hình thì họ bắt đầu quen, bắt đầu thích được chụp hình!”./.
Q.Thi/tuoitre online