Tiếng Việt | English

29/04/2018 - 06:10

Quá tốt với đồng nghiệp là con dao hai lưỡi

Việc thân thiện với đồng nghiệp giúp bạn dễ dàng hòa nhập với nơi làm hơn. Tuy nhiên, việc đối xử với họ quá tốt lại có thể gây hại cho chính bạn.

Việc quá tốt với đồng nghiệp có thể sẽ trở thành gánh nặng cho bạn - Ảnh: Seek

Việc quá tốt với đồng nghiệp có thể sẽ trở thành gánh nặng cho bạn - Ảnh: Seek

Từ khi còn nhỏ, chúng ta thường được dạy rằng phải tốt với người khác và đối xử với họ theo cách chúng ta muốn mình được đối xử. Lớn lên, tư duy này cũng được áp dụng vào môi trường làm việc. Tuy nhiên, việc quá tốt và quá thân thiện ở nơi làm việc có thể đem lại cho bạn nhiều bất lợi.

Khiến bạn có vẻ nhạt nhẽo

Việc quá tốt có thể khiến người khác thấy bạn tẻ nhạt và thụ động. Tất nhiên, bạn vẫn nên giữ lịch sự, nhưng cũng cần thể hiện cá tính riêng của mình.

Người khác sẽ không lắng nghe bạn

Nếu bạn hay cả nể và không từ chối, dần dần mọi người sẽ nghĩ bạn đồng ý ngay cả khi bạn nói không, và có thể sẽ hối thúc hay thuyết phục bạn làm điều bạn không muốn. Đồng nghiệp sẽ bắt đầu nhìn nhận bạn là người không biết từ chối. Họ sẽ cố nhờ bạn giúp làm mọi việc, ngay cả khi bạn đang bận.

Bạn có thể sẽ bị lợi dụng

Một số cho rằng sự tốt bụng của bạn là dấu hiệu của sự yếu đuối. Từ đó, họ tin rằng bạn sẽ không dám đứng lên bảo vệ mình và dễ bị thao túng. Khi bạn bắt đầu làm mọi việc người khác nhờ, họ sẽ coi đó là chuyện đương nhiên và nghĩ mình có quyền sai khiến bạn. Nên nhớ, có những người sẵn sàng dẫm lên bạn để đạt vị trí cao hơn, nhất là khi bạn có vẻ hiền lành và dễ dàng tha thứ.

Khi bạn không dám từ chối, họ sẽ mặc định cho mình quyền nhờ bạn - Ảnh: Robert Half

Khi bạn không dám từ chối, họ sẽ mặc định cho mình quyền nhờ bạn - Ảnh: Robert Half

Người khác đặt kỳ vọng cao hơn ở bạn

Một khi bạn đã nổi tiếng là người "ai nhờ cũng giúp, việc gì cũng đồng ý" ở công ty, đồng nghiệp có thể sẽ hiểu sai khi bạn đứng lên bảo vệ mình. Nếu bạn quyết định thay đổi và bắt đầu từ chối, đồng nghiệp của bạn sẽ thất vọng và cho rằng bạn không còn là người tốt nữa.

Dù việc bạn nói không là có lý do chính đáng, điều này vẫn có vẻ thật ích kỷ so với sự dễ dại của bạn mọi khi.

Bạn sẽ có vẻ đáng nghi

Bạn có thể nhìn thế giới một cách lạc quan, nhưng không phải ai lúc nào cũng tốt, và nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu sự tốt bụng của bạn có động cơ nào đó hay không. Họ sẽ bắt đầu dò xét xem bạn thực sự muốn gì và cô lập bạn, trong khi bạn chỉ đơn thuần là muốn làm người tốt.

Đồng thời, việc quá tốt bụng cũng khiến bạn khó tạo lập tình bạn đích thực với cấp trên hay đồng nghiệp, do họ sẽ nghĩ bạn là người giả tạo.

Hãy học cách nói "không" khi đồng nghiệp nhờ vả - Ảnh: FSU

Hãy học cách nói "không" khi đồng nghiệp nhờ vả - Ảnh: FSU

Bạn sẽ lãng phí thời gian của mình

Khi dành quá nhiều thời gian để giúp đỡ đồng nghiệp, bạn sẽ không còn đủ thời gian cho bản thân và công việc của mình. Thay vì tập trung phát triển sự nghiệp, bạn lại đi làm hộ việc của người khác và cuối cùng phải hoàn tất khối lượng công việc lớn hơn nhiều so với người cùng vị trí.

Ngoài ra, bạn còn có nguy cơ bị người khác chiếm mất thành quả do công sức bạn bỏ ra, vì họ biết bạn quá tốt và sẽ không dám lên tiếng.

Do đó, bạn cần đặt ra những giới hạn rõ ràng, đứng lên bảo vệ mình khi cần thiết. Việc từ chối sẽ không khiến người khác ghét bạn mà sẽ giúp họ trân trọng bạn hơn khi đồng ý giúp đỡ họ. Hãy đối xử tốt với đồng nghiệp một cách vừa đủ, tuyệt đối đừng quá tốt./.

tuoitre.vn (Theo Business Insider)

Chia sẻ bài viết