Tiếng Việt | English

11/02/2016 - 21:50

Quan hệ Nga - NATO tiếp tục sóng gió

Đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksander Grushko cho rằng, NATO đang đi ngược lại những cam kết tiếp tục đối thoại với Nga.

Các Bộ trưởng Quốc phòng của 28 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 10/2 đã thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu - một động thái có thể khiến quan hệ giữa NATO và Nga càng thêm căng thẳng. Nga ngay lập tức đã lên tiếng phản đối động thái trên của NATO.


Máy bay NATO cất cánh từ một căn cứ ở Romania. (Ảnh: nato.int)

Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh sự hiện diện được tăng cường với các lực lượng đa quốc gia trên mặt đất, trên không và trên biển và được luân chuyển thường xuyên trong khu vực bị đe dọa. Lực lượng này được đồn trú tại ba quốc gia khu vực Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia.
“Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO nhất trí tăng cường sự hiện diện tại khu vực phía Đông của các nước đồng minh. Đây là sự hiện diện của các lực lượng đa quốc gia nhằm nhấn mạnh rằng, các cuộc tấn công chống lại một nước đồng minh của NATO cũng đồng nghĩa với việc tấn công nhằm vào các nước đồng minh khác. Như vậy, các nước thành viên NATO sẽ phải có phản ứng”, ông Stoltenberg nói.

Tổng Thư ký NATO cũng cho biết, quân số của lực lượng phản ứng nhanh sẽ được tăng gấp 3 lần, từ 13.000 lên 40.000 người, đồng thời NATO sẽ thành lập một lực lượng can thiệp hiệu quả có thể được triển khai trong vài ngày, với số lượng 5.000 binh lính được không quân và hải quân yểm trợ.

Ngoài 6 trung tâm chỉ huy đã mở ở Đông Âu trong năm 2015, từ nay đến cuối năm 2016, NATO sẽ mở thêm 2 trung tâm chỉ huy mới. Bên cạnh đó, NATO cũng triển khai nhiều máy bay chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia Baltic như 4 máy bay F-16 của Bỉ được triển khai từ tháng 1 - 4/2016, sứ mệnh “cảnh sát trên không” triển khai từ căn cứ không quân ở Amari của Estonia, triển khai nhiều tàu trên biển Ban-tích và Biển Đen cũng như tăng cường diễn tập quân sự ở Đông Âu.

Đây được xem là một tín hiệu mạnh của NATO, ngoài các biện pháp đã được áp dụng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine nhằm trấn an các đồng minh ở Đông Âu.

Trong phản ứng đầu tiên từ phía Nga trước quyết định của NATO, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nói rằng, việc NATO gia tăng hoạt động quân sự tại châu Âu là “con đường đi không có triển vọng”. Bà cũng khẳng định nước Nga không phải là mối đe dọa thực tế đối với các nước thành viên NATO, và khi NATO gia tăng hoạt động, Nga cũng sẽ tiến hành một sự gia tăng tương ứng.

“Chúng tôi không hiểu điều gì đã dẫn đến hành động trên. Chúng tôi tin rằng, hành động của NATO không chỉ đe dọa Nga mà còn đe dọa tới sự ổn định và an ninh chiến lược trên khắp châu Âu”, bà Zakharova nói.

Còn Đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksander Grushko thì cho rằng, NATO đang đi ngược lại những cam kết về tiếp tục đối thoại với Nga. Ông khẳng định, Nga không từ chối đối thoại với NATO trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO vì mục đích củng cố an ninh của toàn bộ khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Ông Grushko cũng chỉ ra rằng Hiệp ước cơ sở Nga-NATO năm 1997 vẫn là một trong những cột trụ của nền an ninh toàn châu Âu. Phá hoại thỏa thuận đó sẽ khiến mất đi những định hướng quan trọng trong lĩnh vực quân sự - chính trị, làm mất ổn định thêm tình hình tại châu Âu./.

Hồng Nhung/VOV - Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết