Tiếng Việt | English

18/10/2019 - 09:50

Quan tâm, chăm lo lao động nữ

Thời gian qua, các cấp Công đoàn (CĐ) trong tỉnh Long An và nhiều doanh nghiệp (DN) luôn quan tâm, cải thiện các chính sách chăm lo đời sống công nhân, lao động (CNLĐ), đặc biệt là lao động nữ.

Các cấp Công đoàn thường xuyên phối hợp tổ chức tư vấn pháp luật lao động, sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân, lao động

Các cấp Công đoàn thường xuyên phối hợp tổ chức tư vấn pháp luật lao động, sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân, lao động

Chăm lo lao động nữ

Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty (Cty) TNHH Chế biến thực phẩm G.N (Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu, huyện Cần Giuộc) - Nguyễn Thị Hà cho biết: “Cty chúng tôi luôn quan tâm đến CNLĐ, đặc biệt là nữ. Nhiều năm qua, nữ công nhân mang thai được ăn cơm sớm hơn quy định 15 phút, khi mang thai đến tuần 20, mỗi ngày được giảm 1 giờ làm việc nhưng vẫn hưởng đủ lương. Ngoài ra, nữ công nhân còn được hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, gửi con để an tâm làm việc”.

Tại Cty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam (KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức), các chế độ ưu đãi dành cho lao động nữ cũng được quan tâm, thực hiện tốt. Chị Nguyễn Mai Thanh - công nhân làm việc tại đây được 7 năm, có 2 con nhỏ, chia sẻ: “CĐ cơ sở thường đề xuất với chủ DN quan tâm, thực hiện tốt các chế độ đối với lao động nữ. Tôi và nhiều nữ công nhân làm việc tại đây luôn cảm thấy hài lòng với chính sách ưu đãi. Khi lao động nữ có con nhỏ sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, Cty còn đầu tư phòng vắt, trữ sữa cho nữ công nhân có con nhỏ. Bên cạnh đó, CĐ cơ sở còn hỗ trợ nữ CNLĐ vay vốn cải thiện đời sống, phối hợp tổ chức khám phụ khoa, khám thai miễn phí,…”.

Theo Chủ tịch CĐ cơ sở Cty TNHH Giày FuLuh Việt Nam (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc) - Nguyễn Thị Lệ Chi: “Để lao động làm việc hết năng suất, DN cần đầu tư nhiều mô hình phúc lợi thiết thực, tạo thuận lợi cho CNLĐ, nhất là lao động nữ được chăm sóc chu đáo. Cty FuLuh là DN có đông nữ CNLĐ. Thời gian qua, ngoài các chính sách chung, lao động nữ mang thai có thể sắp xếp thời gian trong ngày đến phòng khám siêu âm, khám sức khỏe định kỳ mà không phải lo lắng về chi phí. Nhờ đó, nhiều lao động được thăm khám kịp thời, ổn định sức khỏe, làm việc hiệu quả hơn”.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Kiều Oanh thông tin: “Thời gian qua, nhiều CĐ cơ sở trên địa bàn huyện đề xuất, tác động đến lãnh đạo DN nhằm cải thiện các chế độ, chính sách cho lao động nữ như: Nữ công nhân mang thai được về sớm 1 tiếng đồng hồ và trợ cấp các khoản nuôi con nhỏ. Ngoài ra, CĐ cơ sở một số DN còn đề xuất chủ DN đầu tư xây dựng ký túc xá, trường mầm non, phòng khám miễn phí cho lao động nữ, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh để lao động nữ tham gia. Nhờ đó, nữ công nhân có điều kiện và thời gian chăm sóc bản thân, gia đình và hưởng chế độ tốt hơn”.

Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, CĐ cơ sở ở nhiều nơi còn tổ chức nhiều hoạt động với mục đích hướng đến lao động nữ như tọa đàm, hội thi nữ CNLĐ tài năng, tặng quà nhân dịp 8-3, 20-10, tham quan, du lịch, thi nấu ăn, tư vấn làm đẹp, các diễn đàn trao đổi về hạnh phúc gia đình,... Đây là cơ hội để lao động nữ được giao lưu, tạo động lực để họ hăng say lao động.

Cần quan tâm nhiều hơn

Hầu hết lao động nữ làm việc tại các DN ai cũng mong muốn có thu nhập ổn định và nhiều chính sách ưu đãi từ DN để cải thiện đời sống, an tâm làm việc, gắn bó lâu dài. Theo nhiều cán bộ CĐ cơ sở, CNLĐ chính là động lực, vốn quý của mỗi DN. Để phát huy được vốn quý ấy, rất cần sự chung tay của DN để chăm lo đời sống CNLĐ, nhất là lao động nữ. Có như thế mới tạo động lực để họ tận tâm cống hiến, làm việc hiệu quả, góp phần làm lợi cho DN.

Hội thi nấu ăn - một trong những hoạt động được nhiều Công đoàn cơ sở tổ chức, thu hút nữ công nhân, lao động tham gia

Hội thi nấu ăn - một trong những hoạt động được nhiều Công đoàn cơ sở tổ chức, thu hút nữ công nhân, lao động tham gia

Hiện nay, ở một số khu, cụm công nghiệp, các thiết chế văn hóa dành cho CNLĐ còn nghèo nàn, nhà trẻ cho con CNLĐ còn thưa thớt. Do đó, lao động nữ phải vất vả trong việc tìm nơi gửi con, có nhiều lao động nữ không tìm được chỗ gửi con, đành phải gửi về quê cho ông bà. Chị Nguyễn Thị Phương, làm việc tại một DN chuyên sản xuất thực phẩm ở KCN Thuận Đạo mở rộng, xã Long Cang, huyện Cần Đước, cho hay: “Vợ chồng tôi có 2 đứa con, đứa lớn 5 tuổi, còn đứa nhỏ mới 2 tuổi. Cả 2 vợ chồng đều tăng ca thường xuyên nên chỉ riêng chuyện gửi con khiến tôi luôn trăn trở, bởi phần lớn nhà trẻ chỉ nhận trông bé đến 17 giờ, bắt buộc tôi phải gửi con ở nhóm trẻ gia đình với mức phí 1,8 triệu đồng/tháng. Hiện nay, có rất nhiều vụ trẻ bị bạo hành, tôi rất lo cho sự an toàn của con, nhưng không gửi con ở các nhóm trẻ gia đình thì cũng không biết làm sao”.

Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh - Ngô Thị Bích Huệ cho biết: “Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh các chính sách ưu đãi dành cho lao động nữ, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội,... để lao động nữ ngày càng hoàn thiện bản thân, bảo vệ quyền lợi của mình”./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết