Tiếng Việt | English

03/06/2024 - 16:43

Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân

Toàn tỉnh Long An hiện có khoảng 400.000 công nhân (CN), viên chức, lao động (LĐ), trong đó nữ chiếm 62,5%. Để bảo đảm “nguồn vốn sức khỏe” cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, các cấp Công đoàn, đơn vị, doanh nghiệp (DN) còn có sự ưu tiên đối với CNLĐ nữ bằng việc đưa thêm nhiều chế độ, chính sách chăm lo trực tiếp, trong đó có chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS).

Tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe sinh sản

CSSKSS cho CNLĐ nữ đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đa số CNLĐ chủ yếu làm việc theo ca và thường xuyên tăng ca nên không có nhiều thời gian dành cho khám SKSS. Nhiều người do kinh tế khó khăn cộng thêm tâm lý e ngại nên ít có điều kiện tiếp cận các thông tin, dịch vụ liên quan đến CSSKSS.

Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi để công nhân, lao động nữ được tiếp cận các dịch vụ khám sản, phụ khoa

Chính sự thiếu kiến thức, kỹ năng CSSKSS dẫn đến việc quan hệ tình dục không an toàn; mang thai và sinh con ngoài ý muốn; nạo phá thai, nhất là nạo phá thai trong điều kiện không an toàn, phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về tâm lý, sức khỏe đối với CNLĐ nữ ở tuổi thanh niên chưa lập gia đình.

Chị Nguyễn Thảo Như - CN Công ty (Cty) TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), chia sẻ: “Tôi thấy nhiều CNLĐ nữ còn e ngại khi đề cập đến vấn đề tế nhị liên quan đến CSSKSS của phụ nữ. Cùng với đó là tâm lý chủ quan trong việc khám phụ khoa định kỳ. Các bạn chưa ý thức được sự ảnh hưởng của các bệnh phụ khoa nên chỉ đi khám khi có các triệu chứng cụ thể”.

Ngày 05/5/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2013/TT-BYT, ngày 06/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn khám sức khỏe. Cụ thể, nội dung khám chuyên khoa phụ sản cho CNLĐ nữ theo thông tư mới gồm khám phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung và ung thư vú, siêu âm tử cung - phần phụ (khi có chỉ định của bác sĩ khám). Việc sửa đổi thông tư, quy định cụ thể hơn về khám sản, phụ khoa cho LĐ nữ thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện thuận lợi cho LĐ nữ được tiếp cận các dịch vụ khám sản, phụ khoa.

Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực

Các cấp Công đoàn phối hợp triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền trực tiếp cho công nhân, lao động về kiến thức chăm sóc sức khỏe

CNLĐ nữ là đối tượng được đặc biệt quan tâm trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về CSSKSS, ổn định dân số - kế hoạch hóa gia đình. Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ CSSKSS và phương tiện tránh thai cho CN tại các khu, cụm công nghiệp, năm 2023, Chi cục Dân số tỉnh phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, lồng ghép các đợt cung cấp dịch vụ về CSKSS; tổ chức 111 cuộc truyền thông, thảo luận nhóm, tư vấn tại hộ gia đình; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên sóng phát thanh, loa truyền thanh ở huyện, xã, cấp phát tờ rơi và treo băng rôn”.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, bệnh viện đa khoa khu vực phối hợp Công đoàn Các khu công nghiệp, Liên đoàn LĐ cấp huyện và lãnh đạo các cty triển khai cung cấp dịch vụ CSSKSS tại 28 Cty với 6.083 CNLĐ tham gia. Ngoài ra, một số Cty duy trì tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ từ nguồn ngân sách của cty và kết hợp xã hội hóa các dịch vụ theo yêu cầu của CNLĐ.

Với hơn 75% là CNLĐ nữ nên Cty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) luôn quan tâm, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các chị em. Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam - Nguyễn Văn Khải, Cty thực hiện tốt các chế độ hỗ trợ như CNLĐ nữ được chuyển làm công việc nhẹ hơn khi mang thai; CNLĐ nữ mang thai từ 7 tháng, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không phải tăng ca và được về sớm 1 giờ; hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, mỗi tháng 60.000 đồng/cháu. Ngoài ra, Công đoàn cơ sở phối hợp Cty xây dựng phòng vắt trữ sữa phục vụ nhu cầu của CNLĐ nữ nuôi con nhỏ.

Tương tự, Cty Cổ phần Bao bì Tín Thành (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) cũng quan tâm tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về CSSKSS và sắc đẹp cho CNLĐ nữ. Nhờ đó, các chị em được trang bị những kiến thức bổ ích liên quan đến CSSKSS, các bệnh thường gặp và cách chăm sóc sắc đẹp.

Việc quan tâm chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản giúp công nhân, lao động nữ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp

Phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ, hàng năm, Liên đoàn LĐ tỉnh phối hợp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ, trong đó có CSSKSS cho CNLĐ nữ. “Nhằm nâng cao kiến thức CSKSS cho CNLĐ nữ, thời gian tới, các cấp Công đoàn tiếp tục phối hợp triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền trực tiếp cho CNLĐ nữ, nhất là CNLĐ trẻ, trong độ tuổi sinh đẻ; đồng thời, lồng ghép tuyên truyền chế độ, chính sách, CSSKSS cho CNLĐ nữ. Qua đó, giúp đoàn viên, CNLĐ nữ nắm biết được nhiều thông tin mới về chế độ, chính sách để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho bản thân và nâng cao nhận thức, hiểu biết về CSSKSS và một số bệnh thường gặp ở phụ nữ để chủ động các biện pháp phòng tránh” - Phó Chủ tịch Liên đoàn LĐ tỉnh - Phạm Thị Quyên thông tin.

CSSKSS có ý nghĩa không nhỏ đối với đời sống CN, đặc biệt là CNLĐ nữ. Do đó, các đơn vị, DN, các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giúp CNLĐ nữ thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi trong CSSKSS. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ nữ được thụ hưởng các dịch vụ CSSKSS để giảm nguy cơ mắc bệnh, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị, DN./.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân, lao động

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân, lao động 

Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Long An phối hợp các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho công nhân, lao động.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết