Tiếng Việt | English

10/12/2021 - 09:15

Quy hoạch đô thị, hướng đến xây dựng đô thị thông minh

Qua các năm triển khai, thực hiện phát triển đô thị (PTĐT) đã tạo động lực mới, từng bước định hướng để địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện có và hình thành, phát triển các đô thị mới.

Tập trung quy hoạch và phát triển đô thị

Năm 2020, 2021 gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ngành Xây dựng vẫn quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao: Chương trình PTĐT đến năm 2030; trình phê duyệt chương trình PTĐT các huyện; phối hợp TP.Tân An triển khai thí điểm đề án đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, các quy hoạch xây dựng trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thực hiện: Quy hoạch trục động lực kết nối Tiền Giang - Long An - TP.HCM (Đường tỉnh 827E); quy hoạch phân khu xây dựng dọc hai bờ sông Vàm Cỏ Tây; quy hoạch chi tiết xây dựng khu liên hợp văn hóa - thể dục - thể thao tỉnh; quy hoạch điều chỉnh cấp nước vùng tỉnh Long An đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;...

Nhiều công trình được đầu tư, xây dựng, tạo cảnh quan mới khang trang, sạch, đẹp, diện mạo đô thị khởi sắc, góp phần phát triển KT-XH địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn

Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Minh Hùng chia sẻ, qua các năm triển khai, thực hiện PTĐT của tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Qua đó, tạo động lực mới, từng bước định hướng để địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện có và hình thành, phát triển các đô thị mới.

Trong PTĐT, lấy đô thị TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; các đô thị: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trong vùng giáp ranh với TP.HCM.

Đến nay, có thể nói, diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi rõ nét. Nhiều công trình được đầu tư, xây dựng, tạo cảnh quan mới khang trang, sạch, đẹp, diện mạo đô thị khởi sắc, góp phần phát triển KT - XH địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Hiện nay, tỉnh có 19 đô thị: 1 đô thị loại II là TP.Tân An, 6 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Riêng 3 huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc đang triển khai lập quy hoạch chung để công nhận đô thị trên phạm vi diện tích toàn huyện.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Hiện nay, các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An đã phê duyệt quy hoạch chung. Một số địa phương đang xin chủ trương của UBND tỉnh để điều chỉnh quy hoạch chung phù hợp điều kiện thực tế và tình hình phát triển KT - XH. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, việc triển khai đầu tư hạ tầng đô thị phụ thuộc rất lớn vào danh mục ưu tiên đầu tư và nguồn vốn công trung hạn để thực hiện trên cơ sở Chương trình PTĐT của từng địa phương được phê duyệt cho từng giai đoạn.

Sở Xây dựng cũng điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; lập Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Long An hàng năm và 5 năm (giai đoạn 2020-2025)

Hiện nay, Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương khi góp ý, phê duyệt các quy hoạch của dự án lớn, các dự án khu, cụm công nghiệp mới, các dự án khu dân cư, đô thị. Ngoài ra, Sở cũng điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; lập Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Long An hàng năm và 5 năm (giai đoạn 2020 - 2025); hoàn thành việc xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao chất lượng đô thị của tỉnh, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh giải pháp quản lý 20% quỹ đất dành phát triển nhà ở xã hội theo quy định hiện hành. Đồng thời, Sở phối hợp cơ quan liên quan kiểm soát thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục lệch pha cung - cầu; phát triển đa dạng hàng hóa bất động sản.

Trong quá trình phát triển đô thị, nhiều khu dân cư tự phát, “nhà không phép” tại các vùng giáp ranh TP.HCM do giới đầu cơ bất động sản “tấn công”, tỉnh có nhiều biện pháp siết chặt việc quản lý thị trường bất động sản với hàng loạt văn bản quy định về điều kiện tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quản lý xây dựng chặt chẽ và nhiều đoàn thanh tra liên ngành được thành lập.

Ông Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh, phát triển hạ tầng đô thị là nhiệm vụ đã và đang được cả hệ thống chính trị tỉnh đặc biệt quan tâm, thực hiện. Mục tiêu nhằm từng bước hoàn chỉnh các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, để phát triển hạ tầng đô thị theo hướng nhanh và bền vững, hướng đến đô thị thông minh thì chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết những khó khăn, bất cập; huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Đồng bộ trong quản lý, tạo cơ chế thu hút đầu tư

Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong lĩnh vực này theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư để huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực dành cho hạ tầng đô thị.

Công tác quy hoạch, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cũng được coi là một trong những giải pháp đột phá để từng địa phương làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư, chủ trương đầu tư. Đặc biệt là lập quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết bảo đảm chất lượng, làm cơ sở cho việc phát triển, mở rộng và nâng cấp đô thị. Đồng thời, giới thiệu địa điểm, thu hút đầu tư, cấp giấy phép và quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Long An thực hiện lập quy hoạch đô thị phải bảo đảm chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận, đi trước một bước theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái hướng đến đô thị thông minh. Sau bước quy hoạch, chính quyền các cấp lập kế hoạch đầu tư trong từng giai đoạn để thực hiện các công trình hạ tầng xã hội tại các dự án khu đô thị, khu dân cư mới đã được chấp thuận nhằm hình thành các khu đô thị đồng bộ về hạ tầng, bảo đảm phù hợp quy hoạch chung.

Để có thể thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, Sở Xây dựng tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng tầm chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý xây dựng và phát triển đô thị từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, hoạt động tư vấn, đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút đầu tư thực hiện theo cơ chế “một cửa điện tử”, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh theo đúng pháp luật.

Từ những định hướng và lựa chọn hướng đi đúng đắn, tin tưởng đô thị Long An sẽ có những bước đột phá nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển, đưa Long An thành tỉnh hạt nhân vùng phát triển nông nghiệp sôi động Đồng bằng sông Cửu Long và công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết