Tiếng Việt | English

02/11/2021 - 15:37

Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương.


Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam ASOCIO 2021 diễn ra trong 5 ngày. (Ảnh chụp màn hình)

Sáng 2/11, Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam ASOCIO 2021 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Trong 5 ngày, sự kiện sẽ nhấn mạnh vào các xu hướng công nghệ hiện đại được ứng dụng trong lĩnh vực thành phố thông minh với 5 phiên chuyên đề về: Chính quyền số; bất động sản thông minh; khu công nghiệp thông minh; nền tảng, giải pháp số cho thành phố thông minh; startup với thành phố thông minh.

Nhu cầu bức thiết

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA nhấn mạnh xây dựng thành phố, đô thị thông minh không chỉ là xu thế tất yếu mà là nhu cầu, bức thiết của các đô thị tại Việt Nam và trên thế giới.

Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa phát biểu khai mạc sự kiện. (Ảnh chụp màn hình)

Đại dịch COVID-19 bùng phát gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.

Cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng.

"Hội nghị lần này lại càng có nhiều ý nghĩa khi chúng ta trao đổi, thảo luận về vấn đề phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh các quốc gia đang phải chống chọi với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã để lại những hậu quả to lớn mà trong đó, những thành phố, đô thị, nơi có đông dân cư sinh sống là những chỗ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất," Chủ tịch VINASA chia sẻ.

Gắn với quá trình chuyển đổi số địa phương

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong những năm gần đây, vấn đề phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương trên cả nước.

Một số địa phương đã triển khai và đạt được kết quả ban đầu, tuy nhiên, tôi cho rằng đây vẫn là vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các quốc gia đi trước, đòi hỏi chúng ta liên tục phải tìm hiểu, trao đổi, đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn cả trong nước và quốc tế để triển khai.

Đại dịch COVID-19 là một ví dụ điển hình, những thành phố từng được coi là thông minh nhất nhưng gần như đã bất lực, không thể bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của người dân trước sự lây lan của dịch bệnh.

Đại dịch đã cho ta bài học đắt giá nhưng cũng vô cùng quý giá để chúng ta cùng nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những hạn chế, tồn tại và định hướng triển khai trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Thứ trưởng Dũng, Bộ Thông tin và Truyền thông với sứ mệnh dẫn dắt và định hướng quá trình Chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong đó bao gồm nội dung ICT cho phát triển thành phố thông minh, đã rất nỗ lực, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương và một số cơ quan quốc tế để thúc đẩy triển khai đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.

Bộ đã sớm ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển đô thị thông minh bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng CNTT để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.

"Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi quan niệm rằng phát triển đô thị thông minh cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó. Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương," Thứ trưởng Dũng khẳng định./.

Minh Sơn (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết