Năm nay bước vào năm thứ 16 nhiều địa phương trong cả nước tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT)”. Ngày hội đã trở thành một sự kiện, nét văn hóa đặc sắc trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội của các cộng đồng dân cư. Cứ đến tháng 11 hàng năm, hướng đến kỷ niệm Ngày truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam (18-11), các địa bàn dân cư lại háo hức, nhộn nhịp tổ chức ngày hội. Ngày này đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, yêu nước, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam.
Ngoài ý nghĩa chính trị, Ngày hội ĐĐKTDT là một lễ hội lớn của đời sống cộng đồng. Lễ hội là một phần tất yếu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Ngày hội toàn dân không chỉ khơi dậy truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng cộng đồng an toàn, phát triển sản xuất. Ngày hội thu hút sự quan tâm, chú ý của các gia đình trong cùng khu phố, ấp. Dịp này, mọi người sát cánh bên nhau cùng thảo luận, chuẩn bị, vận động, trang trí,... cho ngày hội. Đó là cơ hội để gia tăng tính cố kết cộng đồng. Những vui, buồn, xích mích, va chạm trong cuộc sống thường nhật dễ dàng được chia sẻ, cảm thông, mọi người xích lại gần nhau hơn.
Trong ngày hội, các địa phương chú ý tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi vận động, hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các độ tuổi. Chuỗi hoạt động này vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tạo niềm vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, gắn kết mọi người lại với nhau qua các hoạt động tập thể. Qua đó, còn đọng lại những kỷ niệm đẹp trong đời sống cộng đồng, để mọi người có cùng tâm trạng háo hức chờ đợi Ngày hội ĐĐKTDT năm sau.
Một yếu tố hết sức quan trọng trong ngày hội là việc tổng kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng phong trào thi đua yêu nước của cộng đồng. Từ các cộng đồng sẽ tạo nên sức sống của phong trào thi đua yêu nước của địa phương, cả nước. Những danh hiệu khen thưởng, những phần quà, lời khen tặng cho các cá nhân, hộ gia đình có thành tích tốt trong các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động (phong trào khuyến học, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh),... có tác dụng rất lớn trong động viên, khuyến khích nhân rộng phong trào. Hình thức dùng “người thật, việc thật” tuyên truyền này có giá trị lớn trong cộng đồng dân cư, động viên, cổ vũ mọi người cùng chung sức xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng quê hương…
Mặt khác, ngày hội sẽ có ý nghĩa hơn khi cộng đồng cùng quan tâm chăm lo gia đình nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách,... Việc làm này vừa khơi dậy tinh thần nhân đạo, tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng, vừa thiết thực giáo dục con em sống chan hòa, đoàn kết, biết quan tâm người khác, quan tâm và đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Đó chính là nguồn cội, động lực của lòng yêu nước, thương dân, tinh thần đoàn kết...
Do vậy, để thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với Ngày hội ĐĐKTDT, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cơ sở cần làm tốt công tác tuyên truyền, tập hợp, tổ chức; đa dạng hóa hoạt động lễ hội, tạo môi trường đoàn kết, vui tươi, phấn khởi. Tránh những bài diễn văn, phát biểu dài dòng, khô cứng. Vận động đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng. Tạo sự đồng thuận bằng những việc làm, công trình cụ thể ở địa phương...
Hãy lôi cuốn, khơi dậy, níu giữ người tham gia ngày hội bằng không khí lễ hội rộn ràng, bằng tình cảm xóm giềng chân thành, bằng trách nhiệm với quê hương để ngày hội thực sự là ngày của toàn dân!
Kim Quy