Tiếng Việt | English

26/11/2021 - 12:30

Sẵn sàng ứng phó với hạn, xâm nhập mặn

Chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn và các tác động của biến đổi khí hậu gây ra trong mùa khô 2021 - 2022, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Long An chủ động các kế hoạch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Chủ động gieo sạ vụ Đông Xuân 2021-2022 để né hạn, mặn

Chủ động gieo sạ vụ Đông Xuân 2021 - 2022 để né hạn, mặn

Hạn, mặn có thể đến sớm

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở khu vực Nam bộ đến sớm, khả năng tương đương mùa khô 2016 - 2017 và 2020 - 2021 nhưng sẽ ít gay gắt hơn mùa khô năm 2019 - 2020. Đỉnh mặn được dự báo xuất hiện vào khoảng tháng 2 đến tháng 3/2022. Theo đó, khả năng mùa khô 2021 - 2022 sẽ diễn biến tương đối phức tạp, khắc nghiệt, tình trạng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng gây khó khăn trong việc tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Những năm qua, hạn, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện phía Nam. Cụ thể, trong mùa khô năm 2020 - 2021, hạn, xâm nhập mặn gây thiệt hại khoảng 165ha lúa và hoa màu tại các huyện: Tân Trụ, Cần Đước, Thủ Thừa, Bến Lức, ước tính thiệt hại khoảng 1,062 tỉ đồng”.

Trước tình hình hạn, xâm nhập mặn có thể đến sớm, huyện Cần Đước tích cực triển khai các giải pháp để phòng, chống, bảo đảm sản xuất. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Đước, đến nay, toàn huyện đã gieo sạ 1.070ha lúa mùa và 8.860ha lúa Đông Xuân 2021 - 2022, hầu hết các trà lúa đều ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân thông tin: “Tương tự như năm trước, vụ lúa mùa và Đông Xuân 2021 - 2022 cũng được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo gieo sạ sớm hơn 1 tháng nhằm tránh tác động bất lợi của hạn, xâm nhập mặn. Theo đó, nông dân trên địa bàn huyện đã gieo sạ lúa trong đợt 1 từ ngày 15 đến 23/10/2021. Để chuẩn bị cho vụ sản xuất này, ngành Nông nghiệp huyện tăng cường theo dõi, kiểm tra chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện và kiểm tra các cửa cống dưới đê chống mặn xâm nhập nội đồng để kịp thời thông báo tình hình chất lượng nước, xây dựng kế hoạch giữ nước phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân”.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo, nhằm thực hiện tốt công tác chuẩn bị phòng, chống thiếu nước, hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021 - 2022, huyện tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn huyện về tình hình, ảnh hưởng của hạn, mặn và các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp công trình và phi công trình để bảo đảm sản xuất, hạn chế thiệt hại cho người dân. “Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện (Phòng NN&PTNT huyện) yêu cầu ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi các thông tin về tình hình chất lượng nước, hạn, xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở đất,... và tình hình thời tiết, thiên tai. Qua đó, kịp thời thông báo, cảnh báo và khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thích hợp” - ông Tây Lo cho biết thêm.

Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây chanh

Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây chanh

Chủ động ứng phó

Theo nhận định của các cơ quan khí tượng - thủy văn, thời gian tới, tình hình hạn hán sẽ còn gay gắt hơn do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu dưới tác động của biến đổi khí hậu gây ra, hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn, nếu không có giải pháp phòng, chống hợp lý, hạn cùng với xâm nhập mặn sâu nội đồng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Ðặc biệt, tại các huyện phía Nam của tỉnh, nhiều khu vực vẫn không bảo đảm được nguồn nước sản xuất trong mùa khô, còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngầm và nước mưa. Do đó, mỗi khi hạn, xâm nhập mặn đến sớm hay kéo dài thì người dân lại bị ảnh hưởng nặng nề.

Từng bị thiệt hại nặng nề vì hạn, xâm nhập mặn nên các cấp chính quyền và người dân huyện Bến Lức rất chú trọng đến công tác phòng, chống. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết, với bài học kinh nghiệm từ những mùa khô năm trước, năm nay, các xã, thị trấn trong toàn huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn. Hiện mực nước trên các kênh vẫn còn cao, bảo đảm phục vụ tốt sản xuất.

Ông Nam cho biết thêm, đối với những hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt mùa khô 2020-2021, huyện cũng đã tích cực phối hợp các địa phương vận động họ đấu nối vào các hệ thống cấp nước của xã, huyện để bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu trong mùa khô. Ðồng thời, ngành Nông nghiệp huyện cũng tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình sản xuất sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm.

Trước tình hình hạn, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra, anh Lê Tấn Đoàn (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) chủ động đầu tư mô hình tưới tiết kiệm nước cho vườn chanh của mình. Anh Đoàn cho biết, tuy bước đầu vốn đầu tư bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả là tiết kiệm được lượng nước tưới, chanh vẫn duy trì được sức cho trái trong mùa hạn, mặn.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng khung lịch thời vụ xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 cụ thể cho từng vùng, đặc biệt là các huyện phía Nam của tỉnh; đồng thời, khuyến cáo nông dân ở những vùng có điều kiện sản xuất không thuận lợi cần chủ động gieo sạ sớm để né hạn, mặn vào cuối vụ.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị cơ quan chuyên môn của các địa phương trong tỉnh cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, thủy văn, dự báo xâm nhập mặn vào từng thời điểm để kịp thời thông báo cho người dân được biết và chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả. Song song đó, ngành Nông nghiệp các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh vận động người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạ giá thành trước tình hình giá vật tư nông nghiệp ở mức cao; đồng thời, tăng chất lượng sản phẩm và nguồn thu nhập như mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, “canh tác lúa thông minh”,...

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp các địa phương cũng cần khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu mặn tốt hoặc chuyển đổi sang trồng các loại rau màu ngắn ngày để vừa chống hạn, mặn hiệu quả, vừa bảo đảm thu nhập kinh tế cho người dân”./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết