Ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống, ứng phó hạn, mặn năm 2021-2022
Không chủ quan, lơ là
Nhờ chủ động các giải pháp công trình và phi công trình nên mùa hạn, xâm nhập mặn năm 2020 - 2021, việc sản xuất trên địa bàn tỉnh Long An không bị ảnh hưởng nhiều; đồng thời, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Song, do một số người chủ quan, không chấp hành khuyến cáo của ngành chức năng, gieo sạ ngoài lịch thời vụ trong thời điểm độ mặn ở mức cao, không có nguồn nước tưới bổ sung nên toàn tỉnh có khoảng 165ha bị thiệt hại, tập trung chủ yếu ở huyện Thủ Thừa và Bến Lức.
Mùa hạn, mặn năm 2020 - 2021, nhiều nông dân ở các huyện: Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc gieo sạ ngoài lịch thời vụ nhưng lại trúng mùa, được giá nên năm 2021 - 2022, công tác vận động người dân chấp hành nghiêm các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, gieo sạ đúng lịch thời vụ gặp khó khăn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo thông tin: “Do mùa hạn, mặn năm 2019 - 2020, nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện gần như mất trắng nên mùa hạn, mặn năm 2020 - 2021, ngành Nông nghiệp vận động người dân gieo sạ 2 vụ và trong lịch khuyến cáo của địa phương. Thế nhưng, một vài hộ gieo sạ ngoài lịch thời vụ lại trúng mùa, được giá. Điều này làm công tác vận động người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống hạn, mặn trong năm 2021 - 2022 gặp nhiều khó khăn”. Xác định được những khó khăn trên, các địa phương chủ động nhiều phương án vận động người dân không lơ là, chủ quan; đồng thời, chung sức, đồng lòng với các ngành chức năng trong công tác phòng, chống hạn, mặn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết: “Dù đạt nhiều kết quả khả quan trong mùa hạn, mặn năm 2020-2021 nhưng ngành Nông nghiệp huyện không lơ là, chủ quan mà chủ động đưa ra nhiều phương án ứng phó với từng cấp độ rủi ro. Trong đó, ngành Nông nghiệp huyện xác định việc nâng cao ý thức của người dân là “chìa khóa” phòng, chống thiên tai hiệu quả nhất, bởi người dân là người trực tiếp bị ảnh hưởng của thiên tai.
Theo đó, huyện tăng cường công tác dự báo, cảnh báo diễn biến tình trạng xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động các biện pháp ứng phó; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn người dân trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất; khuyến cáo nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng các giống lúa thích hợp với điều kiện hạn, mặn; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác trong điều kiện thiếu nước ngọt,...”.
Huyện Cần Giuộc bàn giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021- 2022
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Thời điểm này, tỉnh vẫn còn xuất hiện nhiều cơn mưa, mực nước nội đồng còn cao, chưa đến mùa khô. Song, không vì lý do này mà tỉnh lơ là trong công tác phòng, chống hạn, mặn, ngược lại, các địa phương thường xuyên kiểm tra các công trình, cống ngăn mặn, gia cố kịp thời không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Cần Giuộc là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Để chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, huyện phối hợp các ngành liên quan thường xuyên đo độ mặn tại các cửa cống, trong đó nếu độ mặn xuống dưới 1g/l sẽ tiến hành mở cống bồi nước vào các kênh nội đồng để trữ nước ngọt; thường xuyên kiểm tra khắc phục tình trạng rò rỉ nước mặn vào nội đồng; kiểm tra, rà soát tại các điểm thường xảy ra tình trạng thiếu nước để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; tiếp tục đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành các công trình phòng, chống hạn, mặn,…
Đối với cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan trực tiếp tham mưu về công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, cũng chủ động thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống, ứng phó với hạn, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2021-2022 trên địa bàn tỉnh tại các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Bến Lức, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An. Thành phần tham gia đoàn gồm lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các chi cục trực thuộc.
Ngành chức năng đo độ mặn trên các tuyến sông để có biện pháp lấy nước vào nội đồng
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đỗ Hữu Phương cho biết: “Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh về dự báo độ mặn trên 2 sông Vàm Cỏ: Trong mùa khô 2021 - 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông MeKong về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20%. Mực nước đầu nguồn các tuyến sông trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn vùng cửa sông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Để chuẩn bị cho công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, hạn, xâm nhập mặn, nhất là thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô 2021 - 2022, bảo đảm đáp ứng đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn ở các địa phương.
Nội dung làm việc gồm: Khảo sát một số khu vực có khả năng thiếu nước, có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, kiểm tra thực tế các cống ngăn mặn ở địa phương; kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022, vụ Hè Thu 2022; kế hoạch đầu tư, tu bổ, nạo vét kênh, mương thủy lợi phục vụ chống hạn, mặn; nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, diện tích có khả năng bị ảnh hưởng do hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh; kế hoạch, giải pháp và phương án chuẩn bị phòng, chống, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là đối với các địa phương có vùng sản xuất chanh ứng dụng công nghệ cao,...
Thông qua các cuộc làm việc, đoàn nhắc nhở, chấn chỉnh các địa phương chưa làm tốt; đồng thời, ghi nhận những kiến nghị của địa phương để báo cáo lại lãnh đạo tỉnh tìm cách giải quyết, khắc phục”.
Với sự chủ động, linh hoạt và quyết tâm của các cấp, các ngành, nhất là của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh tiếp tục ứng phó tốt với mùa hạn, xâm nhập mặn năm 2021 - 2022, góp phần bảo đảm cơ bản nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân./.
Lê Ngọc