Tiếng Việt | English

28/10/2017 - 23:32

Sách - “Người thầy” của những nông dân giỏi

Không chỉ cần cù, chịu khó, ngày nay, nông dân còn nhanh chóng tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu tài liệu,... tìm hiểu thông tin liên quan đến lĩnh vực sản xuất. Từ những kiến thức có được, kết hợp kinh nghiệm thực tiễn, điều kiện sản xuất của mình, giúp họ sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Đi lên từ những thất bại

Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn, ngụ phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An trải qua nhiều lần thất bại. Bài học kinh nghiệm tích lũy được từ những lần thất bại đó giúp anh đứng vững và thành công với nghề nuôi cá cảnh.

Với anh Hồ Nhuận Đăng Sơn, sách giúp anh bổ sung kiến thức, học được kỹ thuật chăm sóc cá

Trước năm 2003, anh Sơn nuôi gà công nghiệp với quy mô hơn 10.000 con. Do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm, gà bị tiêu hủy toàn bộ, anh Sơn thiệt hại nặng về kinh tế. Nhiều đêm suy nghĩ hướng đi mới, anh quyết định chuyển sang nuôi cá cảnh. Đó cũng là lĩnh vực được anh nghiên cứu kỹ qua tài liệu, sách, báo. Thời gian đầu, với ao nuôi 1,2ha, anh Sơn nuôi các loại: Cá bảy màu, hòa lan, trân châu, bình tích, chép Nhật,... Mặc dù nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu nhưng do chưa có kinh nghiệm thực tế, anh gặp không ít khó khăn.

Anh Sơn chia sẻ: “Thời điểm mới bắt đầu nuôi cá cảnh, tôi được xếp vào hàng “cao thủ sát cá”. Những lứa cá giống đầu tiên cứ lần lượt chết do bệnh, thiếu kỹ thuật chăm sóc, thay đổi môi trường sống,... những con trưởng thành lại không đẹp nên phải bán giá rẻ. Từ thất bại đó, tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm là phải hiểu đặc điểm sinh học, chế độ chăm sóc riêng, phù hợp với từng loại cá thì mới mong nuôi cá thành công”.

Vậy là, anh Sơn lại “lùng sục” tài liệu về kỹ thuật nuôi cá cảnh. Hiểu đặc tính từng loại kết hợp kinh nghiệm thực tế, anh đạt kết quả khả quan hơn. Không chỉ tỷ lệ cá sống cao, cá trưởng thành còn khỏe mạnh, ngoại hình đẹp. Ngoài ra, anh còn thu thập, nhân giống các loài cá bảy màu ngoại nhập và nhiều loại cá cảnh khác để cung cấp cho thị trường cá cảnh trong và ngoài tỉnh.

Từ thành công đó, anh Sơn tiếp tục tìm hiểu các nguồn tài liệu về những loài cá cảnh cao cấp, đòi hỏi kỹ thuật nuôi phức tạp hơn và đặc biệt nghiên cứu sâu về cá dĩa - loại cá được giới thưởng ngoạn cá cảnh nhận xét là có phong thái ung dung, sang trọng, phong phú về màu sắc và giống loài. Sau khi tìm hiểu, anh Sơn mạnh dạn đầu tư và thành công trong việc nuôi cá dĩa. Loài cá này mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định. Hiện, anh Sơn nuôi 100 hồ cá dĩa, dự kiến mở rộng thành trại nuôi cá dĩa với quy mô 300 hồ.

Với mong muốn nhân rộng mô hình nuôi cá dĩa và chuyển giao kỹ thuật cho những người có cùng đam mê, anh Sơn thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp kinh phí và được Hội đồng xét duyệt đề tài thông qua. Trong đó, đề tài “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá dĩa bột” được thực hiện năm 2013, còn đề tài “Xây dựng mô hình quản lý tốt (GMP) trong sản xuất cá cảnh tại TP.Tân An” được thực hiện trong 2 năm 2015, 2016.

Anh Sơn chia sẻ thêm: “Có được những thành công đó là nhờ cập nhật kiến thức mới, nghiên cứu nhiều sách, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước”. Với thành công nhất định và những đóng góp cho xã hội, anh Sơn nhận được 9 bằng khen của UBND tỉnh, 1 bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam, 1 lần vinh danh của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Kiến thức có được chưa bao giờ là đủ

Với mục tiêu sản xuất theo hướng 3 an toàn: “An toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất và an toàn cho môi trường”, ông Trần Tiết Giao, 60 tuổi, ngụ ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, thực hiện mô hình Trồng rau trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao.

Là người đam mê đọc sách, đặc biệt là những loại sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nên ông tích lũy cho mình vốn kiến thức kha khá về các loại cây trồng, vật nuôi và nhiều mô hình hiệu quả trong nông nghiệp. Trong đó, ông tâm đắc mô hình trồng rau trong nhà lưới vì nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất và môi trường. Từ đó, ông Giao tập trung nghiên cứu và tìm hiểu thực tế. Mỗi chi tiết “đắt” trong sách được ông ghi nhớ, áp dụng vào mô hình.

Thời gian rảnh, ông Trần Tiết Giao lại nghiên cứu những quyển sách về lĩnh vực nông nghiệp

Ông Giao cho biết: “Với tôi, kiến thức có được chưa bao giờ là đủ. Muốn thành công trong sản xuất, phải trau dồi kiến thức thường xuyên. Những kiến thức đó không ở đâu xa mà ngay những quyển sách về lĩnh vực của mình. Vì vậy, tôi đọc rất nhiều sách. Đôi khi, tôi đứng hàng giờ trong nhà sách để đọc cho xong quyển sách mình tâm đắc. Tuy nhiên, kiến thức trong sách muốn áp dụng thực tế phải học hỏi thêm từ những người đi trước và có sự điều chỉnh phù hợp điều kiện sản xuất của mình. Do đó, tôi đi tham quan rất nhiều mô hình nhà lưới”. Nhờ tinh thần học hỏi ấy, ông Giao tự thiết kế mô hình nhà lưới cho riêng mình, trong đó chú trọng khắc phục những hạn chế, phát huy thế mạnh của những mô hình nhà lưới khác. Mô hình nhà lưới 4.000m2 của ông Giao được đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Hiện, ông trồng 2 loại rau: Húng cây và cải ngọt; rau phát triển tốt, không sâu, bệnh dù không sử dụng thuốc trừ sâu.

“Mặc dù chi phí đầu tư nhà lưới cao nhưng sử dụng lâu dài. Rau trồng trong nhà lưới sau thu hoạch lại an toàn, năng suất cao, lợi nhuận cũng cao hơn so với cách trồng truyền thống” - ông Giao chia sẻ.

Nhờ đọc sách, tài liệu, nông dân có thêm những kiến thức hay trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ những kiến thức ấy kết hợp kinh nghiệm thực tiễn giúp họ tìm ra cách sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết