Tiếng Việt | English

01/04/2016 - 19:02

Sập cầu vượt Ấn Độ: 24 người chết, còn hơn 100 người kẹt trong đổ nát

Lực lượng cứu hộ đã phải làm việc bất kể ngày đêm với hy vọng có thể cứu sống hơn 100 người được cho là bị mắc kẹt trong vụ sập cầu vượt ở Ấn Độ

Lực lượng cứu hộ đã phải làm việc bất kể ngày đêm với hy vọng có thể cứu sống hơn 100 người được cho là bị mắc kẹt trong vụ sập cầu vượt tại thành phố phía đông Kolkata của Ấn Độ. Tính đến thời điểm này có ít nhất 24 người thiệt mạng, hơn 150 người bị thương. Hoạt động cứu hộ hiện cũng gặp nhiều khó khăn do vị trí của cầu sập nằm ở khu vực có đông dân cư.

Hiện trường vụ sập cầu vượt ở Ấn Độ. (Ảnh: EPA)

Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian khi số người thiệt mạng không ngừng tăng lên. Một cần cẩu 140 tấn đã được huy động tới hiện trường, song không thể nâng được một tấm bê tông được cho là có nhiều người ở bên dưới, trong đó có hành khách của một xe buýt nhỏ. Giám đốc Cơ quan phản ứng thảm họa thiên tai quốc gia O.P. Singh cho biết, nhóm cứu hộ đang nỗ lực để tiếp cận với người mắc kẹt.

Cắt xuyên bê tông

“Thách thức lớn nhất của chúng tôi đó là cứu một số lượng lớn người đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Bởi vì có nhiều bê tông và chúng tôi cũng đang sử dụng máy cắt giúp lực lượng cứu hộ có thể tiến sâu vào bên trong hiện trường. Ngay khi chúng tôi tiếp cận được thì sẽ biết số lượng người mắc kẹt”, ông Singh nói.

Nhóm cứu hộ cũng đưa chó nghiệp vụ, máy khoan cắt xi măng và máy móc đào cũng như các thiết bị cảm biến đến để tìm những người còn sống sót. Các hoạt động cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn do cầu vượt nằm trong khu dân cư đông đúc với làn đường hẹp, nhiều cửa hàng và tòa nhà nằm sát nhau nên các máy móc cỡ lớn khó tiếp cận hiện trường.

Trong khi hoạt động cứu hộ đang tiếp tục, nhiều gia đình mắc kẹt đã kéo đến hiện trường để tìm người thân gây khó khăn cho hoạt động cứu hộ. Cảnh tượng tại hiện trường rất hỗn loạn khiến quân đội phải cố gắng để giải tỏa. Điều đáng lo ngại nữa là một phần còn lại của chiếc cầu vượt có thể sập bất cứ lúc nào..

Chiếc cầu vượt dài 2km được khởi công từ năm 2009, song đã vài lần lỡ hạn chót khánh thành dự án. Cổ phiếu của công ty thi công đã giảm mạnh khi có thông tin về thảm họa. Nguyên nhân của thảm họa hiện vẫn chưa rõ nhưng vấn đề an toàn như thiếu giám sát, sử dụng các loại vật liệu chưa đáp ứng tiêu chuẩn đã nhấn chìm ngành công nghiệp xây dựng của Ấn Độ bấy lâu nay. Công ty chịu trách nhiệm cho biết sẽ hợp tác với các nhà điều tra .

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang ở thăm Mỹ, đã bàng hoàng trước tai nạn trên, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Phát biểu trên truyền hình địa phương, Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee - nơi xảy ra vụ tai nạn cũng thông báo, những người thân của người thiệt mạng trong vụ sập cầu sẽ nhận khoản hỗ trợ tương đương 7.500 USD, trong khi những người bị thương nặng sẽ nhận khoảng 3.000 USD./.

Phạm Hà/VOV-Trung tâm Tin
Tổng hợp 

Chia sẻ bài viết