Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con
Thời gian qua, các địa phương tích cực triển khai mô hình Xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố đạt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đây là giải pháp nhằm đạt mức sinh thay thế, không để mức sinh giảm quá thấp, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số (DS) vàng, thích ứng với quá trình già hóa DS, thực hiện phân bố dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng DS.
Tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con đang được nhiều địa phương tập trung đẩy mạnh
Tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” và không có người sinh con thứ 3 trở lên được chú trọng bằng nhiều hình thức với nội dung phong phú. Qua tuyên truyền, vận động, người dân địa phương nhận thấy ý nghĩa của việc sinh đủ 2 con là góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và sự phát triển của xã hội.
Chị Bùi Thúy An (ấp Hòa Thuận 2, xã Hiệp Hòa) chia sẻ: “Do áp lực kinh tế gia đình nên vợ chồng tôi có ý định dừng lại ở 1 con. Thế nhưng, nếu sinh 1 con thì con gái sau này sẽ buồn vì không “có chị, có em” để nương tựa nhau, cùng chăm sóc cha mẹ khi về già. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định sinh đủ 2 con trước 35 tuổi để con sinh ra khỏe mạnh và dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt”.
Chị Bùi Thúy An quyết tâm sinh đủ 2 con và tập trung nuôi dạy tốt
Năm 2022, huyện Đức Hòa có 3 xã đạt tiêu chí 60% cặp vợ chồng sinh đủ 2 con là Lộc Giang, Tân Mỹ, An Ninh Đông; 3 xã đạt tiêu chí không có người sinh con thứ 3 trở lên là Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Tây; 3 xã đạt cả 2 tiêu chí (60% cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và không có người sinh con thứ 3 trở lên) là Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Hiệp Hòa. Trong năm, huyện tổ chức cho 38.458/44.378 cặp vợ chồng đăng ký thực hiện kế hoạch hóa gia đình; đồng thời, cấp 5.417 giấy chứng nhận thôi đẻ hẳn cho các cặp vợ chồng đủ điều kiện, nâng tổng giấy cấp cho các cặp vợ chồng đủ điều kiện lên 6.274 giấy. Năm 2022, tỷ suất sinh tăng so với năm 2021 là 0,27‰, đạt 135% (chỉ tiêu giao từ năm 2021-2025, tăng sinh 0,2‰ mỗi năm).
Trưởng phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - Lê Hoàng Tùng cho biết: “Đạt kết quả này là do sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của tỉnh, huyện và các xã, thị trấn đối với công tác DS và phát triển. Các ngành, đoàn thể xã, thị trấn có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động. Chất lượng dịch vụ DS và sức khỏe sinh sản không ngừng được nâng cao. Các địa phương chủ động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”.
Bảo đảm mức sinh thay thế
Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, TP.Tân An tích cực thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Năm 2022, thành phố có 7 xã, phường (phường 1, 2, 4, Tân Khánh; xã Bình Tâm, An Vĩnh Ngãi và Lợi Bình Nhơn) thực hiện đạt mô hình.
Viên chức DS xã An Vĩnh Ngãi - Nguyễn Thanh Khiết cho biết: “Xã có 1.138 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Để thực hiện mô hình, lực lượng cộng tác viên DS phối hợp các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân với nhiều hình thức, nội dung phong phú như cấp phát tờ rơi, họp nhóm, vãng gia, nói chuyện chuyên đề,... Ngoài ra, xã chủ động đưa thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đến nay, mỗi gia đình đều nhận thức được việc sinh đủ 2 con là chủ trương “ích nước, lợi nhà” nên phấn đấu sinh đủ 2 con khỏe mạnh, được chăm sóc và nuôi dạy tốt”.
Năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh duy trì ở mức cân bằng tự nhiên. Tỷ suất sinh là 9,59‰, tăng 0,26‰ so với năm 2021, đạt 130% so với chỉ tiêu kế hoạch (tăng 0,2‰). Có 14/15 huyện, thị xã, thành phố đạt chỉ tiêu tăng sinh (trừ huyện Tân Trụ). Có thể khẳng định, chuyện sinh con không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Việc sinh đẻ phù hợp, bảo đảm mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu DS vàng, làm chậm lại quá trình già hóa DS, khống chế được sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh thời gian tới./.
UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND, ngày 01/02/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND, ngày 29/6/2021 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND, ngày 30/3/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách dân số trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chế độ khen thưởng, khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số như sau:
Đối với xã, phường, thị trấn 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng một lần bằng tiền, với mức thưởng là 200 triệu đồng. Đối với tập thể 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được đề xuất UBND tỉnh khen thưởng một lần bằng tiền, với mức thưởng là 300 triệu đồng.
Đối với xã, phường, thị trấn đạt 100% số ấp, khu phố có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng một lần bằng tiền, với mức thưởng là 3 triệu đồng. Xã, phường, thị trấn đạt 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng một lần bằng tiền, với mức thưởng là 3 triệu đồng.
Đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được UBND cấp huyện khen thưởng một lần bằng tiền, với mức thưởng là 450.000 đồng/người. Cộng tác viên dân số, nhân viên y tế ấp, khu phố mà ấp, khu phố phụ trách đạt và vượt các chỉ tiêu về vận động đối tượng tham gia thực hiện tầm soát trước sinh, tầm soát sơ sinh hoặc đạt và vượt các chỉ tiêu về vận động, theo dõi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng được UBND cấp huyện tặng giấy khen và mức khen thưởng theo quy định của pháp luật.
|
Quang Nguyên