Long An là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước
Đến trạm y tế để khám phụ khoa và đặt vòng, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (xã Long Cang, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Tôi sinh con đầu lòng cách đây 3 năm. Hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, vợ chồng tôi đều làm công ty, nội, ngoại thì ở xa nên bé được 6 tháng tuổi, tôi phải gửi người quen chăm sóc. Vì gia đình ít con nên vợ chồng tôi được người thân khuyên sinh thêm con nhưng tôi chưa có dự định vì muốn dành thời gian chăm sóc con tốt hơn và phụ chồng kiếm thêm thu nhập”. Cùng suy nghĩ với vợ chồng chị Thúy, hiện nay, nhiều cặp vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ đang có xu hướng ngại sinh thêm con do áp lực kinh tế, áp lực xã hội.
Nhiều cặp vợ chồng muốn sinh ít con để nuôi dạy được tốt hơn. Một số người ngại sinh con vì sợ ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe. Ngoài ra, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều cặp vợ chồng bị mất việc, thu nhập bấp bênh nên họ quyết định hoãn việc sinh con hoặc từ bỏ ý định sinh con thứ 2. Chính những điều này đã làm giảm dần mức sinh của tỉnh. Mức sinh thay thế quá thấp hoặc quá cao ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển KT - XH. Trong đó, mức sinh thấp, kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa DS nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội,... Theo Quyết định số 2019/QĐ-BYT, ngày 27/4/2021 của Bộ Y tế về danh sách tỉnh, thành phố được phân chia theo các vùng mức sinh thấp, mức sinh cao và mức sinh thay thế, Long An trong danh sách 21 tỉnh,
thành phố có mức sinh thấp. Trước tình hình này, ngành DS tỉnh nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm cải thiện mức sinh. Tuy nhiên, công tác vận động cũng gặp phải một số khó khăn, trở ngại nhất định do việc thay đổi nhận thức của người dân không phải “ngày một, ngày hai” là làm được mà phải có thời gian. Vì vậy, các địa phương luôn linh hoạt, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp tình hình thực tế. Từ đó, từng bước nâng cao mức sinh trên địa bàn, góp phần cải thiện mức sinh chung của tỉnh. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thời gian qua, phong trào xây dựng quy mô gia đình sinh đủ 2 con được sự hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các địa phương đổi mới công tác truyền thông, tập trung tuyên truyền thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” và các chính sách tuyên dương, khen thưởng và lợi ích khi sinh đủ 2 con để người dân thay đổi nhận thức và thực hiện.
Ngành Dân số tỉnh nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm cải thiện mức sinh
Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, tham mưu các cấp lãnh đạo chỉ đạo toàn hệ thống chính trị chung tay triển khai, quán triệt thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” và ban hành một số chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác DS trên địa bàn tỉnh”.
Việc sinh phù hợp, bảo đảm mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu “DS vàng”, làm chậm quá trình già hóa DS, khống chế được sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trong thời gian tới. Bên cạnh những quyết tâm, định hướng cụ thể của ngành DS, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng chung tay để thực hiện tốt công tác DS, từng bước nâng cao mức sinh vì sự phát triển của tỉnh./.
Dự thảo Luật Dân số vừa được đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới so với luật cũ, trong đó quy định “cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt”. Đồng thời, dự thảo Luật cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích thực hiện chính sách dân số, các biện pháp điều chỉnh mức sinh, khuyến khích sinh đủ 2 con tại các địa phương có mức sinh thấp,...
|
Ngọc Mận - Huỳnh Hương