Tiếng Việt | English

05/11/2020 - 11:24

Sự cần thiết phải triển khai, thực hiện Luật Lý lịch tư pháp

Sau 10 năm thực hiện, công tác quản lý nhà nước về Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) dần đi vào nề nếp, ổn định; trách nhiệm của các cơ quan hữu quan được nâng lên, nhất là trong sự phối hợp để cung cấp, tiếp nhận, xác minh và tra cứu về LLTP theo thẩm quyền.

Góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp
Theo Sở Tư pháp, công tác cấp phiếu LLTP đã có những bước phát triển đồng bộ, thống nhất về chủ trương cải cách thủ tục hành chính, trong đó thể hiện việc giảm thời gian cấp phiếu cho một số trường hợp đặc thù, tăng tỷ lệ cấp phiếu trước hạn, đáp ứng yêu cầu của người dân, cơ quan, tổ chức; đồng thời, đáp ứng công tác quản lý nhân sự, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mang lại lợi ích thiết thực cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp phiếu LLTP.

Khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc sau 10 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp

Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đúng quy định về cung cấp thông tin để các cơ quan hữu quan xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) LLTP: Thông tin về các đối tượng chấp hành xong hình phạt tù cho hưởng án treo, án cải tạo không giam giữ thông qua việc gửi giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, án cải tạo không giam giữ, tiếp nhận giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người thi hành án phạt cải tạo không giam giữ,... khi có yêu cầu đối chiếu thông tin LLTP của Sở Tư pháp.

Thông tin từ Công an tỉnh, từ năm 2010 đến nay, công an các cấp đã cấp 1.772 giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, 64 giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, 1.853 giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt khác (án treo, cải tạo không giam giữ,...). 

Thượng tá Nguyễn Văn Minh - Phó Trưởng phòng Quản lý hồ sơ, Công an tỉnh, cho biết: “Công tác phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tiếp nhận hồ sơ được thực hiện hiệu quả, khi có vướng mắc thì cùng trao đổi, giải quyết. Những trường hợp cư trú thông tin LLTP trong tỉnh đã giảm từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Trường hợp yêu cầu cấp phiếu LLTP do có thời gian học tập tại các trường đại học, cao đẳng chính quy ở ngoài tỉnh, nếu người yêu cầu thực hiện đúng quy định thì giảm thời gian trả lời cung cấp thông tin xuống dưới 7 ngày”.

10 năm thực hiện Luật LLTP, Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh đã cung cấp 44.195 văn bản thông tin LLTP để Sở Tư pháp xây dựng dữ liệu LLTP, trong đó có 17.278 bản án, 26.917 quyết định, giấy chứng nhận liên quan đến thi hành án hình sự (THAHS). 
Theo Phó Chánh án TAND tỉnh - Lương Minh Trí, TAND 2 cấp bảo đảm đúng quy định trong việc cấp và gửi các bản án hình sự, quyết định và giấy chứng nhận liên quan đến THAHS cho Sở Tư pháp và các đơn vị khác khi có yêu cầu. Trách nhiệm của TAND 2 cấp trong việc phối hợp, cung cấp, tra cứu, CSDL về LLTP ngày càng được chú trọng, nâng cao.

Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh - Đặng Văn Thiết thông tin thêm: “10 năm qua, các cơ quan THADS đã cung cấp cho Sở Tư pháp 15.163 thông tin LLTP. Thời gian tới, ngành THADS tiếp tục hoàn thiện công tác lưu trữ dữ liệu về hồ sơ thi hành án, từ đó tạo thành hệ thống dữ liệu đồng nhất, thuận lợi trong quá trình tra cứu, tìm kiếm dữ liệu khi có yêu cầu. Lãnh đạo Cục THADS kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện để kịp thời khắc phục những hạn chế, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong ngành THADS với công tác này”.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Lý lịch tư pháp

Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Nguyễn Văn Lâm cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác CSDL LLTP và cấp phiếu LLTP bảo đảm thực hiện đúng theo quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác LLTP có nhiều ưu điểm, thuận lợi, đặc biệt là tiết kiệm được thời gian, nhân lực cho nghiệp vụ cấp phiếu LLTP, xử lý quy trình, chia sẻ kinh nghiệm, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giảm bớt chi phí đi lại. Thông tin công khai rõ ràng, giúp người dân dễ dàng tìm hiểu thông tin liên quan đến cấp phiếu LLTP, tránh phiền hà, sách nhiễu”.

Được biết, trước khi có phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp được đưa vào sử dụng, giai đoạn 2011-2012, Sở Tư pháp đã sử dụng phần mềm hỗ trợ do Sở Tư pháp TP.HCM xây dựng để thực hiện công tác xây dựng CSDL LLTP, đặt nền móng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý LLTP. Từ ngày 01-7-2010 đến ngày 30-6-2020, các cơ quan hữu quan (TAND, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan THADS, Trung tâm LLTP Quốc gia, Sở Tư pháp tỉnh, thành bạn) cung cấp cho Sở Tư pháp tỉnh 64.676 thông tin làm CSDL LLTP.

Theo kiến nghị, đề xuất của TAND TP.Tân An, việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác tra cứu, xác minh trao đổi, cung cấp thông tin LLTP là một trong những giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển LLTP. Thời gian tới, Sở Tư pháp cần chủ trì phối hợp TAND và các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng triển khai văn bản liên quan đến Luật LLTP, nâng cao kỹ năng cho công chức làm công tác tra cứu, cung cấp thông tin về LLTP. Qua đó, nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp cung cấp thông tin LLTP giữa các cơ quan với nhau.

Chi cục THADS huyện Thạnh Hóa là một trong những đơn vị làm tốt công tác phối hợp trong xây dựng CSDL LLTP. Theo đề xuất của Chi cục THADS huyện, để làm tốt hơn nữa công tác thực hiện Luật LLTP, cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-BTP, ngày 09-3-2015 của Bộ Tư pháp về những quy định của Luật LLTP, nhất là những quy định liên quan đến trách nhiệm của cơ quan THADS, đề cao hơn nữa vị trí, vai trò, ý nghĩa của thông tin LLTP đối với cá nhân, tổ chức và xã hội. Đồng thời, hoàn thiện công tác lưu trữ dữ liệu và hồ sơ thi hành án, từ đó tạo thành hệ thống dữ liệu thống nhất, thuận lợi trong quá trình tra cứu, tìm kiếm dữ liệu liên quan đến LLTP. Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình trao đổi, cung cấp thông tin về LLTP./.

Đỗ Lâm 

Chia sẻ bài viết