Hòa trong không khí cả nước thi đua lập thành tích chào mừng 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh như đang “sống lại” với khí thế của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào mùa Thu năm 1945 - một sự kiện vĩ đại trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền về tay công - nông là thắng lợi to lớn đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Từ đó, đất nước ta, nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Hòa trong dòng thác cách mạng, khí thế sôi sục của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân tỉnh nhà đã đồng lòng vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An đã ghi nhận: Sau ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thủ đô Hà Nội, đến 15 giờ, ngày 21/8/1945, ở Tân An, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc,... đã về tay cách mạng.
Sáng ngày 22/8/1945, 4.000 người trang bị tầm vông, giáo mác, cờ đỏ sao vàng đổ về sân banh tỉnh lỵ tham gia cuộc míttinh chào mừng cách mạng thành công. Đoàn người vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Tiếp theo, vào ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định. Với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm, Tân An đã đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Nam bộ.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa thành công. Đảng ta đã tuyên truyền, giác ngộ, thổi bùng ngọn lửa của tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân; một lòng đi theo Đảng và quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học quý báu, nổi bật là Đảng ta đã biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Để giữ vững chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã dựa chắc vào nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để đấu tranh thắng lợi với thù trong, giặc ngoài. Đó là bài học “lòng dân” - phát huy khối đại đoàn kết toàn dân được ông cha ta xây dựng, vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học này vẫn còn nguyên giá trị hiện nay.
Sức mạnh của thành trì bảo vệ Tổ quốc chính là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân với nền tảng là “thế trận lòng dân” đặt dưới ngọn cờ hiệu triệu, lãnh đạo của Đảng, đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
“Sức mạnh lòng dân”, “thế trận lòng dân” đã được các cấp ủy, chính quyền vận dụng, phát huy trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tố quốc (TDBVANTQ); Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới;... được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia và mang lại hiệu quả rõ rệt trong đời sống, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội và sự bình yên của nhân dân. Qua đó, còn có giá trị củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước.
Chào mừng 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng là dịp kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và 17 năm Ngày hội TDBVANTQ, chúng ta càng nhận thức sâu sắc về “sức mạnh lòng dân”, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Do vậy, trong phát triển KT - XH, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thì “phải xuất phát từ quan điểm “vì lợi ích của nhân dân”, xuất phát từ yêu cầu của đời sống nhân dân, phải “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình” như lời Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được phát biểu trong Ngày hội TDBVANTQ tại chùa Kim Cang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa./.
Kim Quy