Sức sống mới từ làng nghề chằm nón lá Đức Hòa
Để làm ra một chiếc nón lá, người thợ phải trải qua hơn 10 công đoạn dưới đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ lành nghề.
Nghề chằm nón lá xuất hiện từ lâu đời và gắn liền với đời sống văn hóa của Nhân dân xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa. Đây cũng là nghề truyền thống tạo việc làm cho người dân những lúc nông nhàn.
Để làm ra một chiếc nón lá, người thợ phải trải qua hơn 10 công đoạn dưới đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ lành nghề.
Nón lá Đức Hòa không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn được thị trường nhiều tỉnh, thành phố lân cận ưa chuộng bởi độ bền, đẹp khéo léo từ chính đôi bàn tay lành nghề của những người thợ thủ công trong vùng
Để làm ra chiếc nón lá, người thợ phải trải qua quá trình lao động bền bỉ, khéo léo của đôi bàn tay với hơn 10 công đoạn
Nan trúc được chuốt nhỏ tròn đều, mỗi chiếc nón có 16 nan trúc uốn thành những vòng tròn, vòng lớn nhất có đường kính khoảng 50cm
Những vòng nan trúc tiếp theo càng nhỏ dần khi lên đến đỉnh chóp. Từng vòng nan trúc được đặt vào cái khuôn mô theo những vạch khắc sẵn bằng gỗ có hình chóp tựa chiếc nón
Theo những người chằm nón tại đây, lá chằm nón phải là lá non vừa độ, gân lá xanh, màu lá trắng. Sau khi mua về, lá mật cật sẽ đem đi luộc chín, phơi nắng, phơi sương 2 ngày rồi vuốt thẳng
Để chiếc lá đạt độ thẳng theo yêu cầu, người thợ chuẩn bị bếp để đốt nóng miếng sắt, sau đó đặt lá cật mật lên trên, dùng cục vải vuốt chắc tay nhiều lần cho đạt độ thẳng, độ bóng của chiếc lá
Khi lá đã thẳng, người thợ chuyển sang công đoạn tỉa lá. Từng chiếc lá được cắt, tỉa theo đúng chiều cao của chiếc nón rồi tiến hành kết đầu lá
Công đoạn quan trọng của chằm nón là xây lá trên mô. Mỗi chiếc nón có 2 lớp trong, ngoài và 1 lớp xen kẽ, khi thực hiện, người thợ phải làm thật khéo léo và đều tay
Người thợ dùng vành chụp lên bên ngoài mô nón để giữ cho lá nằm cố định. Điều này giúp người thợ chằm nón được dễ dàng
Công đoạn quan trọng nhất là chằm nón. Kỹ thuật chằm nón phải bảo đảm từng sợi dây gân nhỏ, mũi kim phải thẳng và đều từ trong ra ngoài, không lộ chân kim và giấu đi những mối chỉ
Hiện nay, các công đoạn đều được làm thủ công bằng tay nhưng vẫn cho ra những chiếc nón dầy dặn, cứng cáp nhưng bảo đảm vẻ thanh lịch, duyên dáng
Khâu cuối của việc chằm nón là nức vành. Người thợ sẽ chuốt 1 cọng nan dẹp thường gọi là cây tiến cặp vào vành số 16 và may giáp vòng. Điều này giúp cho vành nón tròn và chắc chắn
Trước những yêu cầu của thị trường, chiếc nón lá Đức Hòa nay được khoác lên một màu áo mới
Chị Phạm Thanh Trúc đang vẽ lên chiếc nón những hình ảnh mộc mạc của cảnh đẹp quê hương Việt Nam – một trong những cách để nâng cao giá trị chiếc nón lá truyền thống
Chiếc nón lá bao đời nay được xem là vật che mưa, che nắng cho các dì, các mẹ, nay đã được nâng cao giá trị hơn rất nhiều nhờ đôi bàn tay tài hoa của những người làm nghề truyền thống
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa - Trịnh Thị Hải Yến, hiện địa phương thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp nghề chằm nón lá và vẽ trang trí nghệ thuật với mục đích duy trì nghề truyền thống và tạo chỗ đứng trên thị trường, xây dựng hình ảnh chiếc nón lá Đức Hòa vươn xa khắp mọi miền Tổ quốc./.
Kiên Định – Võ Thành Nguyễn
- Tiễn đoàn công tác ra thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa (26/12)
- Cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế (26/12)
- Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (26/12)
- Thời tiết hôm nay 26/12: Miền Trung mưa to dù bão tan (26/12)
- Từ bệnh viện đến trường học và những câu chuyện đầy nghị lực (25/12)
- Văn hóa đón Giáng sinh của người Việt (25/12)
- Gương mẫu trong giữ gìn an ninh, trật tự (25/12)
- Khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (25/12)