Tiếng Việt | English

30/11/2023 - 09:05

Trăm năm nghề truyền thống (Kỳ cuối)

Trong sự hối hả của nhịp sống hiện đại, vẫn có những người âm thầm giữ nghề truyền thống. Với họ, đó không chỉ là mưu sinh mà còn là những gì thân thuộc nên đôi ba lần định bỏ nhưng rồi vẫn giữ lấy nghề.

Trăn trở giữ nghề (kỳ cuối)

Nghề truyền thống mang giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của từng vùng. Long An được biết đến là vùng đất có nhiều nghề truyền thống, làng nghề. Theo hơi thở của sự phát triển, nghề truyền thống, làng nghề mai một dần. Việc giữ nghề truyền thống đang là trăn trở của nhiều địa phương bởi đó không chỉ là phát triển kinh tế mà còn mang một giá trị văn hóa rất lớn, là sự giữ gìn, bảo tồn những tinh hoa của cha ông để lại.

Tour “Tân Trụ quê hương em” mới ra mắt nhưng đã được sự quan tâm của nhiều du khách (Ảnh: Phương Phương)

Tour “Tân Trụ quê hương em” mới ra mắt nhưng đã được sự quan tâm của nhiều du khách (Ảnh: Phương Phương)

Hiện nay, Long An có 8 nghề truyền thống và 7 làng nghề truyền thống được công nhận. Việc bảo tồn, giữ nghề truyền thống là trăn trở của địa phương và những người theo nghề. Theo dòng chảy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những sản phẩm thủ công khó cạnh tranh được với những sản phẩm công nghiệp. Những làng nghề hưng thịnh một thời tại Long An như nghề rèn, dệt chiếu, chằm nón lá,... cũng mai một dần.

Bên cạnh các sản phẩm thủ công khó tìm được “chỗ đứng” trên thị trường thì việc tìm người kế thừa để giữ nghề truyền thống cũng khó bởi hiện nay, đa số người trẻ đều hướng đến làm việc trong môi trường công nghiệp, ít ai gắn bó với nghề truyền thống. Đây chính là một trong những trăn trở trong việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề.

Gắn phát triển du lịch với làng nghề là cách nhiều địa phương đang làm, trong đó có Long An. Đây là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp giới thiệu đến du khách nét văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền. Qua đó, khách du lịch tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những sản phẩm đặc trưng. Đây là tiền đề, cơ hội tốt để các làng nghề đi lên cùng sự phát triển của ngành Du lịch.

Dù mới ra mắt nhưng tour du lịch Tân Trụ quê hương em nhận được sự quan tâm của nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài điểm nhấn là học sinh sẽ tham gia làm hướng dẫn viên giới thiệu những nét đặc sắc của quê hương Tân Trụ, du khách còn được trải nghiệm với nghề dệt chiếu - một trong những nghề truyền thống nổi tiếng của Long An. Không những thế, trước đó, nhiều tour du lịch cũng tổ chức cho khách du lịch đến thăm, trải nghiệm về các nghề truyền thống, làng nghề. Tuy nhiên, số lượng nghề truyền thống được chọn đưa vào các tour du lịch chưa nhiều và du khách chủ yếu đến tham quan, trải nghiệm; việc kết hợp quảng bá các sản phẩm truyền thống chưa mang lại hiệu quả.

Chị Như Quỳnh - du khách đến từ tỉnh Bình Định, cho biết: “Tôi vào TP.HCM thăm người quen, sẵn đăng ký tour du lịch ở các điểm lân cận. Khi được giới thiệu về tour làng nghề, tôi cứ nghĩ sẽ được trở về không gian của Nam bộ xưa với bụi tre, đường đất và trải nghiệm với nghề truyền thống nhưng tour chưa được như vậy, chưa tái hiện được không gian miền quê Nam bộ của những năm 30-45 của thế kỷ trước. Tôi chủ yếu tham quan quy trình chế tác sản phẩm của một số làng nghề”.

Cùng suy nghĩ với Như Quỳnh, Lan An - du khách đến từ TP.Hà Nội, chia sẻ: Mong muốn của khách tham quan khi đến với làng nghề là phải “chạm đến cảm xúc”, nghe kể những câu chuyện, giai thoại liên quan đến làng nghề. Một số tour về làm gốm, dệt lụa, hát quan họ,... ở một số tỉnh đã làm được điều này. Hạn chế trong việc quảng bá cũng phần nào ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề.

Bảo tồn và giữ nghề truyền thống không chỉ là lưu giữ giá trị văn hóa mà còn góp phần phát triển KT-XH địa phương. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn cho biết: “Long An tiếp tục triển khai Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc phát triển các ngành, nghề nông thôn.

Tạo điều kiện, hỗ trợ các làng nghề, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND, ngày 18/8/2022 về quy định nội dung chi, mức chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành, nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hỗ trợ 60% chi phí đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng (đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề) cho các làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỉ đồng/dự án. Hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống từ 30-50 triệu đồng.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan hướng dẫn việc thực hiện các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các quy định về lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội để phát triển ngành, nghề nông thôn, trong đó tập trung đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở ngành, nghề nông thôn. Thu hút các nghệ nhân tham gia hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận; đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm nghề nghiệp, kỹ năng dạy học cho các nghệ nhân. Các địa phương đang tích cực đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Thực hiện tốt Nghị định số 52 của Chính phủ và Quyết định số 47 của UBND tỉnh sẽ góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề”.

Nghề truyền thống, làng nghề là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người dân ở từng vùng, miền khác nhau, qua nhiều thế hệ khác nhau, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của từng miền quê. Dù trải qua bao thăng trầm nhưng nghề truyền thống vẫn có sức sống mãnh liệt. Để rồi khi nhắc đến chiếu Long Cang (xã Long Cang, huyện Cần Đước), người ta lại nhớ đến câu hò: Hò... hơ... chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt/ Bấy nhiêu tình em gửi hết vào đây/ Chiếu hoa em dệt thật dày/ Mong đây với đó... Hò... ơ... Mong đây với đó xuân này nên duyên./.

Anh Túc

Chia sẻ bài viết