Tiếng Việt | English

23/04/2016 - 08:19

Tác chiến điện tử của Nga khống chế hiệu quả làn sóng điện của địch

Quân đội Nga đi sâu phát triển các hệ thống tác chiến điện tử có khả năng làm tê liệt “đầu não địch”, vô hiệu hóa vũ khí của đối phương.

Các lực lượng vũ trang hiện đại được trang bị các hệ thống có khả năng vô hiệu hóa thiết bị và vũ khí của đối phương bằng cách tấn công vào trang thiết bị điện tử của chúng. Quân đội Nga không phải là ngoại lệ.


Một hệ thống tác chiến điện tử của Nga xuất hiện tại một hội chợ quốc tế ở Nga năm 2015. Ảnh: RIA.

Trong điều kiện tác chiến hiện đại, vũ khí trên chiến trường quyết định rất nhiều nhưng không phải là tất cả. Nếu như trong quá khứ, chiến thắng được đảm bảo bằng súng trường hoặc đại bác có tốc độ bắn nhanh thì ngày nay quân đội được trang bị các loại hệ thống có khả năng vô hiệu hóa bất cứ loại vũ khí nào, kể cả loại mạnh nhất, thậm chí không cho phép đối phương sử dụng vũ khí.

Đòn điểm huyệt

Xét về mặt hiệu quả, các hệ thống tác chiến điện tử không hề thua kém các loại vũ khí tác động trực tiếp Nhưng khác với đại bác và tên lửa, hệ thống tác chiến điện tử không nhằm vào việc phá hủy nhân lực và thiết bị của đối phương mà là nhằm vào tiêu diệt “hệ thống thần kinh”, tức hệ thống điều khiển, hướng dẫn và theo dõi của địch.

Một cuộc tấn công theo lối đó sẽ ngay lập tức tước bỏ khả năng chiến đấu của đối phương - nó làm tê liệt hệ thống điện tử, đường dây điện, làm mù radar và khiến các máy bay chiến đấu và tàu chiến bất động.

Kết quả là, xung đột vũ trang hiện đại có một đặc điểm mới – nó diễn ra không chỉ trên bộ, trên không và trên biển, mà còn cả trong không gian vô tuyến điện.

Nga hiện này là một trong những nước tiên phong trên thế giới về mặt phát triển và ứng dụng tác chiến điện tử (EW), dù rằng mới chỉ 20 năm trước thôi, nước này vẫn còn lạc hậu đáng kể sau các nước khác trong khu vực. Theo các chuyên gia, hệ thống EW của Nga được cài đặt trên các hàng không mẫu hạm có thể sánh được với các phiên bản tương ứng của Mỹ. Riêng các trạm EW của lục quân Nga có thể coi là tốt nhất thế giới.

Hệ thống tác chiến trên máy bay và dưới mặt đất

Hệ thống phản tác chiến điện tử Khibiny được cài đặt trên tất cả các máy bay quân sự của Nga. Các thiết bị này được gắn vào cánh máy bay. Chúng có khả năng biến máy bay thành một đơn vị chiến đấu đáng sợ.


Hệ thống EWW Krasuha-4 của Nga. Ảnh: Press Photo.

Khibiny phản xạ các tín hiệu dò tìm mà một radar của đối phương ở dưới mặt đất hoặc từ một phi cơ khác hướng vào máy bay Nga, và bóp méo hoàn toàn tín hiệu đó.

Trong khi đó các trạm tác chiến điện tử trên mặt đất của Nga sử dụng một số hệ thống. Đáng lưu ý nhất là hệ thống Krasuha-4. Hệ thống này - được đưa vào sử dụng vào năm 2012 – có khả năng chặn gần như tất cả tín hiệu radio trong bán kính 322km.

Hệ thống Krasuha-4 này cũng trấn áp được hoạt động điện tử của máy bay có AWACS (hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm), phi cơ không người lái và thậm chí cả các vệ tinh gián điệp, cũng như gây nhiễu đối với bất cứ hệ thống tác chiến điện tử nào của đối phương. Kể từ tháng 10/2015, hệ thống này đã được bố trí tại căn cứ không quân Khmeymim của Nga ở Syria.

Một thế kỷ phục vụ

Có lẽ lần đầu tiên quân Nga sử dụng tác chiến điện tử là vào đầu thế kỷ 20. Năm 1904, các điện đài viên radio của Nga đã bắt đầu gây nhiễu các đài phát tín hiệu của Nhật Bản – khi đó đang trực tiếp hướng hỏa lực pháo binh bắn vào cảng Arthur ở Mãn Châu trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật.

Tuy nhiên phải đến Thế chiến 2 Nga mới xây dựng nền móng của hệ thống tác chiến điện tử hiện đại của mình.

Khi đó Liên Xô lập một đơn vị đặc biệt chịu trách nhiệm về phá sóng các trạm radio của phát xít Đức. Thiết bị cho trạm này được đặt cách tiền tuyến khoảng 21km và phía Liên Xô đã tích cực sử dụng thiết bị này để gây nhiễu và đánh lừa đối phương.

Sau chiến tranh, các đơn vị tham gia vào tác chiến vô tuyến điện đã bị giải tán nhưng được tái lập 5 năm sau đó.

Chiến tranh Triều Tiên thể hiện rõ tầm quan trọng của tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại.

Ở Việt Nam quân Mỹ bị vô hiệu hóa không chỉ bởi bản thân các lực lượng cách mạng ở đây mà còn vì các radar do Liên Xô sản xuất.

Việc chuyển đổi các hệ thống tác chiến điện tử của Nga thành một dạng vũ khí độc lập chỉ diễn ra sau khi Liên Xô sụp đổ. Ban đầu các hệ thống này được phát triển bởi các hãng sản xuất vũ khí phòng không như là Almaz-Antey.

Từ nay cho đến năm 2020 một hãng chuyên về lĩnh vực này sẽ tiến hành xem xét tổng thể các lực lượng tác chiến điện tử của Nga./.

Trung Hiếu/VOV.VN (Theo RBTH)

Chia sẻ bài viết