Tiếng Việt | English

02/05/2024 - 08:36

Tấm lòng người cựu chiến binh

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, biết bao người con Long An đã lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Trong đó có ông Bạch Văn Hữu (ấp Nước Trong, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Thời chiến, ông không ngại gian khổ, hiểm nguy, sát cánh cùng đồng đội trong nhiều trận đánh. Thời bình, ông tích cực đóng góp xây dựng địa phương.

Mỗi ngày, ông Bạch Văn Hữu (ấp Nước Trong, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) đều chăm sóc các cây trong vườn

Ký ức hào hùng

Ông Bạch Văn Hữu được người dân quanh vùng gọi với cái tên thân thương - ông Bảy Hữu. Ông tham gia cách mạng từ năm 1966-1977. Trong suốt quá trình đó, ông công tác ở Ban Tuyên huấn (tiền thân của Ban Văn hóa Thông tin và Ban Tuyên giáo). Ông hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực in ấn (in sách báo, truyền đơn,...) tại Nhà máy In Phan Văn Mảng.

Ngoài ra, ông Hữu còn tích cực tuyên truyền cho các hoạt động của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ. Nhắc về những năm tháng hào hùng, ông Hữu bồi hồi: “17, 18 tuổi, tôi theo học lớp Đồng Tử quân ở Vĩnh Hưng để làm nhiệm vụ giao liên, đưa thư từ, rải truyền đơn. Sau đó được động viên nên tôi tham gia cách mạng, thực hiện công tác tuyên truyền. Vì lớp học tổ chức xa nhà nên sau khi học xong, tôi quyết định thoát ly gia đình để đi kháng chiến ở Kiến Tường”. Tại Ban Tuyên huấn, cơ quan cử một cán bộ tham gia lớp học sử dụng các loại vũ khí rồi về hướng dẫn lại cho các anh em khác. Nhờ thế, ông Bảy Hữu và đồng đội cũng thuần thục cách dùng, sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.

Nhớ về những kỷ niệm cùng đồng đội thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Hữu không khỏi ngậm ngùi. Có lần, ông cùng đồng đội đang đi công tác, đến địa phương gặp người quen, chạm mặt với quân địch. Hai bên xả súng ác liệt, người đồng đội của ông bị bắn, hy sinh, ông vội nhảy xuống sông bơi đi nên may mắn thoát được.

Những ngày phải trốn trong rừng, đồng đội chia nhau từng chén cơm, củ khoai, có lúc phải nhịn ăn. Không nản lòng trước khó khăn, nguy hiểm, những người chiến sĩ kiên trung ngày ấy vẫn đều đặn thực hiện công việc in ấn, không để trì hoãn việc sản xuất các giấy, báo, truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng. Nhờ thế mà từng dòng tin tức chiến sự có thể thuận lợi đến tay cán bộ, người dân, góp phần làm nên chiến thắng 30/4 vẻ vang, lừng lẫy.

Góp sức xây dựng địa phương

Sau năm 1975, tỉnh Kiến Tường sáp nhập vào tỉnh Long An. Năm 1977, ông Hữu trở lại tỉnh Long An. Sau thời gian làm việc tại nhà in, ông gặp bà Nguyễn Thị Vân rồi kết duyên vợ chồng. Mong muốn có cuộc sống bình yên, ông bà quyết định về quê sinh sống. Trên mảnh đất do gia đình để lại, ông bà tăng gia sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Trở về quê hương, ông lần lượt được địa phương tin tưởng giao giữ nhiều chức vụ trong Ban Thông tin - Văn hóa, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã. Dù ở bất kỳ vai trò nào, người chiến sĩ cách mạng cũng đều đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật.

Trước năm 2000, nhìn thấy người dân ấp Nước Trong phải vất vả lấy nước tại giếng nước chung của xã, khệ nệ khuân từng thùng to, thùng nhỏ, ông Bảy Hữu đề xuất lắp đặt hệ thống dẫn nước về tận nhà. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông đến từng nhà vận động người dân đồng thuận. Lúc bấy giờ, ông Bảy Hữu đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Nhận được sự đồng thuận cao từ Nhân dân, ông thuê người về làm, huy động các gia đình đóng góp kinh phí thực hiện. Nhờ đó, chỉ trong vòng vài tháng, công trình dẫn nước hoàn thành, gần 40 hộ dân ấp Nước Trong, xã Thủy Đông thêm phấn khởi vì có thể bảo đảm nước sinh hoạt, không tốn công đi lại, khuân vác như trước.

Thấy người dân xã Thủy Đông đi lại còn khó khăn, ông Bảy Hữu chủ động liên hệ nhà hảo tâm là một Việt kiều Mỹ, sau đó vận động người dân đóng góp thêm để xây cầu bắc qua con kênh, đoạn giữa cầu Bà Chiêu và cầu Nước Trong. Cây cầu bêtông thành hình giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Giờ đây, cây cầu này được nâng cấp, mở rộng, xe ôtô có thể qua được.

Hiện tại, ông Bạch Văn Hữu sống cùng vợ và người con gái. Giữ gìn phần đất ông bà, ba mẹ để lại, ông duy trì sản xuất hơn 2,5ha lúa và trồng thêm nhiều loại loại cây ăn trái xung quanh nhà. Ông vẫn hăng hái, tích cực tham gia các hoạt động do Hội, đoàn thể địa phương phát động. Mỗi khi địa phương huy động sức dân mở đường, xây cầu giao thông, ông đều hưởng ứng./.

Năm 2017, ông Hữu đạt danh hiệu Thương binh tiêu biểu và nhận được bằng khen của UBND tỉnh. Năm 2022, ông là một trong các thương binh vinh dự tham gia Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. 

Ngọc Hân - Hoàng Lan

Chia sẻ bài viết