Tiếng Việt | English

18/04/2018 - 18:18

Tân Hưng: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa bước đầu hiệu quả

Ngày 18/4, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - Lê Văn Hoàng làm Trưởng Đoàn đến làm việc tại huyện Tân Hưng về việc thực hiện Chương trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) năm 2018.

Trong vụ Đông Xuân 2017 - 2018, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An triển khai thực hiện 3 mô hình điểm với diện tích 150ha và 6 mô hình nhân rộng diện tích 310ha. Qua quá trình thực hiện cho thấy, các mô hình điểm đều sử dụng phân bón hữu cơ, giảm lượng phân bón từ 50-80 kg/ha, từ đó giúp cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, thân thiện với môi trường, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn. Các mô hình điểm đều sử dụng nấm trắng, nấm xanh để ký sinh rầy nâu, góp phần tiêu diệt rầy nâu không để gia tăng mật số, giảm được thiệt hại do rầy nâu gây ra.

Đối với mô hình điểm, số diện tích cấy năng suất đạt từ 7,5-8,5 tấn/ha lúa tươi, lợi nhuận bình quân 30-34 triệu đồng/ha, cao hơn bên ngoài mô hình từ 5-9 triệu đồng/ha; diện tích sạ hàng, sạ thưa, năng suất đạt từ 6,5-8 tấn/ha lúa tươi, lợi nhuận bình quân 28-30 triệu đồng/ha, cao hơn bên ngoài mô hình từ 3-6 triệu đồng/ha. Đối với mô hình nhân rộng, năng suất đạt từ 6,5-7,5 tấn/ha lúa tươi, lợi nhuận bình quân 27-28 triệu đồng/ha, cao hơn bên ngoài mô hình từ 2-4 triệu đồng/ha.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận cao hơn 3- 9 triệu đồng/ha so với sản xuất bên ngoài

 Vụ Hè Thu năm 2018, huyện đang triển khai thực hiện 6 mô hình nhân rộng với diện tích 420ha và nhân rộng diện tích 1.200ha trên địa bàn 6 xã nằm trong vùng quy hoạch. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện 6 mô hình nhân rộng trên 751 triệu đồng, bình quân hỗ trợ 125,2 triệu đồng/mô hình.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn huyện Tân Hưng thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn: Là mô hình mới, chi phí cấy ban đầu khá lớn nên nông dân còn e ngại; nông dân vẫn quen tập quán sản xuất cũ, chưa quen áp dụng các biện pháp kỹ thuật như cấy bằng máy, bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học,… nên hiệu quả kinh tế của mô hình có lúc, có nơi không cao. Ở một số nơi trong vùng quy hoạch có kế hoạch đầu tư trạm bơm điện để phục vụ chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC nhưng thiếu hệ thống lưới điện 3 pha.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - Lê Văn Hoàng nhấn mạnh, trong thời gian tới Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC huyện cần quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu tỉnh giao. Củng cố, triển khai tập huấn nâng cao trình độ quản lý, phương thức sản xuất tại các hợp tác xã. Huyện cần sớm rà soát lại, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo diện tích vùng ƯDCNC đạt theo kế hoạch. Các ngành chuyên môn Sở tiếp tục hỗ trợ huyện hoàn thành kế hoạch và đạt hiệu quả trong Chương trình, nhất là trong vụ Hè Thu tới …

Văn Đát

Chia sẻ bài viết