Tiếng Việt | English

15/09/2016 - 16:04

Long An ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Ngày 15/9, tại thị xã Kiến Tường, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Long An”. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh đến dự.


Quang cảnh hội thảo

Hội thảo nhằm mục tiêu xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Long An có điều kiện tự nhiên phù hợp với nhiều loại nông sản hàng hóa. Trong đó, lúa là mặt hàng đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thanh long chỉ đứng sau tỉnh Bình Thuận. Những năm gần đây, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh, nhất là việc ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer (300ha), đưa công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên rau,…

Hiện nay, tỉnh chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) để phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên sản phẩm chủ lực của tỉnh: 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu 40.000ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ số lượng 500-1.000 con; hỗ trợ hình thành 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao.


Nông dân tìm hiểu về máy cấy lúa công nghệ cao của Công ty Yanmar Việt Nam

Tại hội thảo, các đại biểu được các công ty, nhà khoa học giới thiệu, chia sẻ các ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa; giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ cao cho nông dân; vấn đề liên kết sản xuất;...

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” là 1 trong 2 chương trình đột phá của tỉnh đến năm 2020”. Để khắc phục hạn chế, ứng phó tốt với những thách thức mới, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành liên quan có kế hoạch cụ thể huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia thực hiện chương trình đột phá này./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích