Giảm chi phí, tăng năng suất
Thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Tân Thạnh triển khai mô hình (MH) sản xuất lúa ƯDCNC, tập trung ở 5 xã: Tân Lập, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây, Bắc Hòa và Nhơn Hòa Lập. Huyện tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và người dân trong vùng quy hoạch về MH này. Việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất lúa ƯDCNC cũng được quan tâm thực hiện, thu hút hàng trăm nông dân tham gia.
Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế
Vụ Đông Xuân 2017-2018, toàn huyện triển khai thực hiện 5 MH sản xuất ƯDCNC với tổng diện tích 299,9ha, có 125 hộ dân tham gia. Năng suất bình quân 7-9 tấn/ha (tùy loại giống và từng đợt gieo sạ), tổng sản lượng hơn 2.140 tấn. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận cao hơn so với ngoài MH 3-5 triệu đồng/ha.
Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Thực hiện đề án, huyện tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 5 xã vùng quy hoạch. Ngoài ra, huyện còn vận động doanh nghiệp đầu tư xây dựng 11 trạm bơm điện phục vụ trên 4.000ha, chiếm gần 39% diện tích vùng quy hoạch; xây dựng, củng cố 5 hợp tác xã (HTX). Hiện, huyện có trên 70% nông dân sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận”.
Vụ Hè Thu 2018, huyện triển khai thêm 10 MH với diện tích 578,4ha, có 239 hộ dân tham gia. Ông Bùi Ngọc Trung, ngụ ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, chia sẻ: “Tôi có 10ha lúa nếp ƯDCNC. Nhờ sản xuất theo quy trình “1 phải, 6 giảm”, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như sử dụng nấm xanh, phân hữu cơ, trồng hoa sinh thái nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, hứa hẹn vụ mùa bội thu”.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện
MH sản xuất lúa ƯDCNC tại huyện Tân Thạnh bước đầu đạt hiệu quả. Nông dân nâng cao nhận thức trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện quy trình sản xuất của MH. Qua đó, hình thành chuỗi liên kết và sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện triển khai đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất
Đến nay, xã Hậu Thạnh Đông triển khai được 2 MH với diện tích 106,6ha, có 51 hộ tham gia; Hậu Thạnh Tây triển khai 4 MH, diện tích 270,5ha, có 107 hộ tham gia; Nhơn Hòa Lập triển khai 3 MH, diện tích 159,7ha, có 65 hộ tham gia; Bắc Hòa triển khai 3 MH, diện tích 183,4ha, có 82 hộ tham gia; Tân Lập triển khai 3 MH với diện tích 158,1ha, có 59 hộ tham gia. Nhìn chung, nông dân đều bón lót phân hữu cơ vi sinh nhằm cải thiện độ phì của đất, giảm giống trong khâu gieo sạ từ 150kg/ha xuống còn 100-120kg/ha, nhất là áp dụng phương pháp cấy (60kg/ha).
Ông Trần Quốc Hưng, ngụ ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, bộc bạch: “Tham gia sản xuất trong vùng lúa chất lượng cao, tôi thường xuyên được tập huấn khoa học - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ 30% chi phí giống, phân bón,... Tôi an tâm khi tham gia MH này”.
Theo kế hoạch của huyện, mỗi xã quy hoạch vùng lúa chất lượng cao và ƯDCNC có ít nhất 1 HTX và có từ 5-10 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; 100% diện tích lúa trong vùng quy hoạch có trạm bơm điện phục vụ; chỉ sử dụng lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha (sản xuất kiểu truyền thống từ 120-150kg/ha); giảm thất thoát trước và sau thu hoạch dưới 10%. Nhằm khuyến khích nông dân tham gia sản xuất trong vùng quy hoạch, huyện thành lập 9 HTX dịch vụ nông nghiệp. Các HTX cơ bản thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân như HTX Tân Đồng Tiến thực hiện ký kết hợp đồng lâu dài với các doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất giúp nông dân hiểu lợi ích khi tham gia sản xuất trong vùng lúa chất lượng cao
“Để phát huy hiệu quả MH, thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá các MH; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng: Đê bao, điện phục vụ trạm bơm, hệ thống kênh, mương tưới, tiêu, giao thông nội đồng,...; tiếp tục tập huấn hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 6 giảm”, sản xuất an toàn, VietGap,...” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm.
Ngoài ra, huyện triển khai đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, đưa phương pháp cấy, sạ hàng, sạ thưa (100kg/ha) vào sản xuất; sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận theo quy định của chương trình; mở rộng quy mô tổ hợp tác, HTX. Việc xúc tiến thương mại, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân tiếp tục được triển khai thực hiện.
MH sản xuất lúa ƯDCNC tại huyện Tân Thạnh góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển KT-XH địa phương. Để MH tiếp tục triển khai đạt hiệu quả, ngành chuyên môn tăng cường khuyến cáo lịch gieo sạ vụ Thu Đông, người dân khi tham gia MH phải tuân thủ quy trình theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật./.
Theo Quyết định số 2845/ QĐ-UBND, ngày 16/6/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Tân Thạnh được phân bổ chỉ tiêu đến năm 2020 là 4.000ha, gồm 5 xã trong vùng quy hoạch: Tân Lập, Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây và Bắc Hòa.
Đến nay, huyện triển khai 15 mô hình với diện tích 878,3ha, có 364 hộ dân tham gia. Thông qua mô hình, địa phương rút kinh nghiệm để xây dựng hoàn thiện mô hình, nhân rộng cho vùng sản xuất lúa ƯDCNC ở những năm tiếp theo, phấn đấu đến năm 2020 đạt chỉ tiêu kế hoạch.
|
Ngọc Mận - Huỳnh Hương