Hiệu quả từ những mô hình
Vụ Hè Thu 2017, Hợp tác xã (HTX) Hưng Phú, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng được tỉnh chọn làm điểm thực hiện mô hình ƯDCNC trong sản xuất lúa với diện tích 50ha, có 24 hộ tham gia.
Giám đốc HTX Hưng Phú - Lưu Văn Hoài cho biết: “Tham gia mô hình, nông dân thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất hàng hóa khối lượng lớn, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến (làm đất, sang phẳng mặt ruộng bằng tia laser, ứng dụng máy cấy, áp dụng quy trình 1 phải - 6 giảm, cơ giới hóa trong thu hoạch,...) nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, từ đó tăng hiệu quả kinh tế. Tham gia mô hình, nông dân giảm chi phí từ 1-1,5 triệu đồng/ha, năng suất bình quân cao hơn ngoài mô hình từ 100-300kg/ha, lợi nhuận tăng thêm 1,5-2 triệu đồng/ha”.
Mục tiêu đến năm 2020, Long An có 2.000ha rau ứng dụng công nghệ cao
Ông Lê Công Trường, ngụ ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước - xã viên HTX Rau an toàn Mười Hai, phấn khởi: “Gia đình tôi có 2.000m2 đất trồng rau. Trước đây, tôi sản xuất nhỏ, lẻ, thường bị thương lái ép giá. Khi tham gia HTX, sản phẩm được bao tiêu nên tôi rất yên tâm. Ngoài ra, chúng tôi còn được hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Đây là cơ hội để nâng cao giá trị cây rau màu, đồng thời tăng thu nhập cho xã viên”.
Theo Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy, HTX có diện tích 12ha với 25 hộ tham gia trồng các loại rau: Cải ngọt, cải xanh, rau muống. Hiện tại, HTX có hơn 8ha áp dụng hệ thống nhà lưới và phun tưới tự động. Rau được trồng theo hướng ƯDCNC bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Hiện tại, sản phẩm rau của HTX cung cấp cho một số cơ sở thu mua từ TP.HCM và tiếp tục tìm đối tác bao tiêu sản phẩm trong thời gian tới” - ông Giấy cho biết thêm.
Hiệu ứng lan tỏa
Lúa vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh, theo kế hoạch đến 2020, có 20.000ha lúa ƯDCNC nằm trong vùng lúa chất lượng cao 40.000ha, phục vụ xuất khẩu của tỉnh, được thực hiện tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Từ đầu năm 2017 đến nay, xây dựng dựng thêm 13 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC, trong đó: Sử dụng máy cấy 160ha, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser 200ha, 630ha lúa sản xuất theo VietGAP có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Về cây rau, tỉnh triển khai xây dựng thêm 7 mô hình tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An với 7ha sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học trong sản xuất rau tại 5 HTX và 1 tổ hợp tác; ngoài ra, còn chọn một số mô hình thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà lưới, tưới thông minh. Bên cạnh đó, các huyện còn nhân rộng diện tích. Cụ thể, huyện Cần Đước xây dựng thêm 3 mô hình và nhân rộng diện tích cây rau 183,3ha, Cần Giuộc 2 mô hình, nâng tổng số diện tích trên địa bàn 190ha, Đức Hòa thêm 2 mô hình và nhân rộng 80ha, TP.Tân An nhân rộng 2 mô hình với diện tích 5ha. Các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, sử dụng lượng phân vô cơ giảm, ít sâu, bệnh.
Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 2.000ha sản xuất rau ƯDCNC trong vùng sản xuất rau an toàn của tỉnh, tập trung tại các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa, TP.Tân An và được phân bổ cụ thể đến từng xã theo lộ trình đến năm 2020.
Vùng sản xuất thanh long ƯDCNC được tỉnh xác định ở huyện Châu Thành, đạt 2.000ha vào năm 2020 (Nhiều hộ dân Châu Thành trở nên khá giàu từ cây thanh long)
Vùng sản xuất thanh long ƯDCNC được tỉnh xác định cụ thể trên địa bàn huyện Châu Thành, đến năm 2020, có 2.000ha thanh long ƯDCNC. Năm 2017, tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất thanh long theo VietGAP tại 2 HTX: Long Hội và Tầm Vu; đồng thời, xây dựng thêm 12 mô hình với diện tích 300ha ở các xã: Hòa Phú, Hiệp Thạnh, Dương Xuân Hội, An Lục Long. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, ứng dụng cơ giới hóa trong xử lý nhánh thanh long. Lắp đặt 1 mô hình tưới tiết kiệm nước tại xã An Lục Long với diện tích 1ha. Hỗ trợ HTX Long Trì, Long Hội, Tầm Vu, Vạn Thành đăng ký hỗ trợ chứng nhận VietGAP.
Riêng về chăn nuôi bò, thời gian qua, tỉnh điều tra, đánh giá hiện trạng ngành hàng bò thịt tại 2 huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, xác định vùng triển khai thực hiện tại 22 xã, thị trấn trên địa bàn 2 huyện nhằm xác định thực trạng của vùng để có hướng chuyển giao ứng dụng cho phù hợp, có kế hoạch xây dựng tổ hợp tác, HTX trên địa bàn. Đến năm 2020, Long An xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ với tổng đàn tăng trên 5.000 con.
Còn khó khăn
Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc thực hiện đề án của tỉnh còn gặp một số khó khăn, nhất là công tác phối hợp tuyên truyền ý nghĩa, mục đích chương trình còn hạn chế, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nhưng nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Một số mô hình trình diễn sản xuất ƯDCNC mang lại hiệu quả nhưng khi nhân rộng gặp khó khăn,...
Ông Nguyễn Đức Tôn - xã viên HTX Hưng Phú, xã Khánh Hưng, cho biết: “Sản xuất ƯDCNC góp phần thay đổi tập quán sản xuất của nông dân. Việc sản xuất lúa ƯDCNC không phải tốn nhiều công sức, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống nên giá thành giảm, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, sự liên kết “4 nhà” được phát huy, đầu ra sản phẩm ổn định nhờ chất lượng cũng như hợp tác với doanh nghiệp thu mua. Tuy nhiên, đây chỉ là mô hình điểm, diện tích còn rất ít, khi nhân rộng thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng cần được quan tâm”.
Đầu ra sản phẩm cần được quan tâmQuyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết: Huyện Cần Đước có kế hoạch đến năm 2020, toàn huyện phát triển cây rau màu ƯDCNC với diện tích 700ha, tập trung ở các xã vùng thượng của huyện. Để thực hiện theo lộ trình, năm 2017, huyện xây dựng kế hoạch nhân rộng diện tích lên 180ha (Long Khê 50ha, Long Trạch 50ha, Long Hòa 30ha, Phước Vân 50ha). Khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là vốn để đầu tư nông nghiệp ƯDCNC khá cao, khả năng của người dân còn hạn chế nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thương lái. Kết cấu hạ tầng nông thôn: Điện, hạ tầng giao thông được đầu tư nhưng chưa đồng bộ.
Để thực hiện thành công kế hoạch 2.000ha trồng thanh long ƯDCNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Châu Thành củng cố lại hoạt động các HTX, phát triển tổ hợp tác, đồng thời, triển khai xây dựng mô hình nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của trái thanh long gắn với quy trình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Năm 2017, huyện nhân rộng 685ha thanh long ƯDCNC. “Quá trình thực hiện bộc lộ những khó khăn là công tác tuyên truyền còn hạn chế nên chưa làm chuyển biến mạnh trong nhận thức người dân. Thiếu cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm thanh long” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn cho biết.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, thời gian tới, sở tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận cơ sở, tích cực vận động nông dân tham gia chương trình. Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa các khâu sản xuất, vận chuyển hàng hóa, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, có khả năng nhân rộng, bảo đảm hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu,.../.
Văn Đát