Tiếng Việt | English

03/04/2017 - 10:47

Tân Thạnh: Khởi sắc ở vùng lúa chất lượng cao

Xây dựng vùng lúa chất lượng cao (CLC) là một trong những chương trình đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định. Sau 1 năm thực hiện nghị quyết, nông dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất lúa hàng hóa có khối lượng lớn; từ đó, nâng cao giá trị gia tăng và làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, nhất là tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào.

Các trạm bơm điện được đầu tư, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất

Tân Thạnh là 1 trong 5 huyện được tỉnh quy hoạch 50.000ha xây dựng vùng lúa CLC phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Từ đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX xác định xây dựng vùng lúa CLC là một trong những chương trình đột phá của nhiệm kỳ. Năm 2016, Huyện ủy Tân Thạnh ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về việc tiếp tục xây dựng vùng lúa CLC gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại.

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU, huyện quy hoạch 5 xã xây dựng vùng lúa CLC: Tân Lập, Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây và Bắc Hòa, với diện tích 11.122ha (chỉ tiêu của tỉnh 10.651ha), trong đó, 4.504ha lúa ứng dụng công nghệ cao (chỉ tiêu của tỉnh 4.000ha). Đồng thời, huyện xây dựng 10 trạm bơm điện phục vụ gần 4.000ha, với trên 1.430 hộ tham gia; xây dựng các mô hình: Mô hình sinh thái trong sản xuất, số lượng giống sử dụng giảm xuống còn 80kg/ha, thực hiện các giải pháp: 1 phải-5 giảm, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, xây dựng 5 tổ nhân lúa giống với diện tích 85ha,... Đến nay, phần lớn 5 xã trong vùng quy hoạch lúa CLC có trên 70% nông dân sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận và không sử dụng giống lúa thông dụng để sản xuất.


Đưa cơ giới vào đồng ruộng

Với những kết quả trên, nông dân trên địa bàn huyện rất phấn khởi khi nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Trung (ở ấp Cây Sao, xã Tân Lập) chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi cứ thấy giống lúa nào có giá trên thị trường thì ồ ạt sử dụng. Tuy nhiên, đến thu hoạch thì những giống lúa đó thường bị rớt giá hoặc sâu, bệnh gây hại làm năng suất giảm. Hiện nay, chúng tôi thường xuyên được cán bộ khuyến nông tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhất là sau khi diện tích đất nông nghiệp của địa phương được quy hoạch trong vùng lúa CLC, nông dân thay đổi tập quán sản xuất, biết chọn giống lúa xác nhận, mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng,... góp phần giúp cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập”.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập - Trương Thanh Nhàn thông tin: “Tân Lập được huyện quy hoạch 2.946ha lúa CLC, trong đó, 1.100ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Xác định được nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy, HĐND, UBND xã tiến hành quy hoạch vùng lúa CLC; đẩy mạnh tuyên truyền cho tất cả đảng viên, cán bộ và nhân dân hiểu được lợi ích khi tham gia vùng lúa CLC; phân công nhiệm vụ từng tập thể và cá nhân; điều tra, đánh giá việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật của nông dân trong vùng lúa CLC,... Đặc biệt, xã cử cán bộ thường xuyên xuống cơ sở nắm và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nông dân sản xuất trong vùng lúa CLC”.

Mục đích của việc xây dựng vùng lúa CLC là giúp nông dân tạo ra sản phẩm đồng nhất, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Và giờ đây, mục đích đó đã đạt. Bởi khi tham gia vùng lúa CLC, nông dân được nhiều lợi ích: Được tập huấn khoa học - kỹ thuật thường xuyên; bao tiêu sản phẩm; được hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu đến thu hoạch; được hỗ trợ 1 lần giống;... Với những lợi ích đó, nông dân rất phấn khởi khi tham gia vùng lúa CLC.

Nông dân được giá, trúng mùa nhờ sản xuất trong vùng lúa chất lượng cao

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Mai Văn On nhận định: “Thực hiện nghị quyết, ngành nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch 5 năm, trong đó, đưa ra những chỉ tiêu cụ thể: Mỗi xã quy hoạch vùng lúa CLC và ứng dụng công nghệ cao có ít nhất 1 hợp tác xã và 5-10 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; 100% diện tích lúa CLC và ứng dụng công nghệ cao có trạm bơm điện phục vụ; giảm 20-30% (100kg/ha) lượng giống gieo sạ so với hiện nay (120-150kg/ha); giảm thất thoát trước và sau thu hoạch xuống dưới 10%”.

Với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, vùng lúa CLC của huyện Tân Thạnh ngày càng khởi sắc, thực hiện hiệu quả chương trình đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Thạnh lần thứ IX đề ra. Qua đó, góp phần giúp huyện hướng đến phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại,..../.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết