Tiếng Việt | English

12/09/2016 - 16:47

Tân Trụ: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thời gian qua, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, nhiều lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập.


Học viên tham gia lớp học nghề kết cườm

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tân Trụ góp phần tác động làm thay đổi ý thức người dân. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, nông dân ấp Bình Hòa, xã Bình Tịnh cho biết: "Trước đây, chúng tôi cứ sản xuất theo thói quen, kinh nghiệm truyền thống. Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nông dân biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng năng suất, giảm chi phí".

Để thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Tân Trụ chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu và tổ chức triển khai chương trình đến các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn trên địa bàn. Huyện tăng cường công tác điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của các đối tượng và các nhóm nghề đào tạo.

Từ đó, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật tổng hợp-Hướng nghiệp huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh,... mở các lớp: Kỹ thuật trồng thanh long; chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng lúa, nấm bào ngư; kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò; kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho cá lóc;... ở các xã: Bình Trinh Đông, Quê Mỹ Thạnh, Tân Phước Tây, Mỹ Bình, Đức Tân, Bình Tịnh, Lạc Tấn,... Đến nay, Tân Trụ tổ chức gần 20 lớp đào tạo nghề, thu hút trên 500 lao động theo học ở 2 nhóm ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.


Nông dân áp dụng kiến thức học nghề trồng thanh long trên đồng ruộng

Ông Nguyễn Văn Bình, nông dân xã Đức Tân chia sẻ: "Từ khi tham gia lớp học nghề kỹ thuật chăn nuôi, tôi có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn thuốc phòng, trị bệnh cho gia cầm; nhận biết được các loại thuốc đối kháng nhau. Mong rằng, địa phương sẽ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn để giúp nông dân nâng cao kiến thức, áp dụng trong chăn nuôi nhằm cải thiện kinh tế gia đình".

Các học viên của các lớp học nghề phi nông nghiệp sau khi hoàn thành khóa học đều có việc làm ổn định. Theo thống kê của huyện, có gần 80% học viên được làm việc tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ, doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với các lớp nghề nông nghiệp, sau khi học xong, học viên biết cách áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.

Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tân Trụ - Nguyễn Thị Mỹ Hương cho biết thêm: "Thời gian tới, Phòng tiếp tục rà soát, nắm chắc nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu việc làm của người dân để có kế hoạch phối hợp đào tạo gắn với giải quyết việc làm, không tổ chức đào tạo khi chưa dự báo được nhu cầu công việc, việc làm sau đào tạo của nông dân"./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích