Tiếng Việt | English

19/09/2018 - 08:41

Tăng cường bảo vệ an toàn cho trẻ em trong mùa lũ

Trẻ em là mầm non, tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, trẻ em là đối tượng được Nhà nước và cả xã hội dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, bảo đảm các quyền được Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và pháp luật Việt Nam thừa nhận, trong đó có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

Do trẻ em còn non nớt về thể chất và trí tuệ, rất hiếu động nên dễ bị tai nạn, thương tích. Hàng năm, tai nạn, thương tích là nguyên nhân gây chấn thương và tử vong hàng đầu ở trẻ em. Đặc biệt, có nhiều trẻ bị tử vong do đuối nước. Do đó, các em cần được người lớn, xã hội quan tâm, bảo vệ.

Năm nay, nước lũ về khu vực Đồng Tháp Mười sớm hơn và lớn hơn những năm trước. Lũ về cũng là lúc học sinh vùng này bước vào năm học mới 2018-2019. Hiện một số xã trên địa bàn các huyện đầu nguồn Tân Hưng, Vĩnh Hưng, nước đã ngập một số đường giao thông nông thôn, học sinh phải đến trường bằng ghe, xuồng. Nước sông, kênh, rạch dâng cao, con đường đến trường của các em tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Ngoài một số em được cha mẹ đưa đi học, phần lớn học sinh phải tự đi học bằng xe đạp, một số phải qua phà, đò ngang, có nguy cơ mất an toàn do đường trơn trượt vào mùa mưa, lũ và không được trang bị dụng cụ cứu sinh.

Ở nhiều gia đình, mùa lũ cũng là mùa kiếm sống bằng nghề giăng câu, thả lưới. Cha mẹ bận mưu sinh nên có lúc thiếu sự quan tâm đến trẻ em; để trẻ lớn giữ trẻ nhỏ; để trẻ sống trên xuồng, ghe, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tai nạn đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào và chỉ diễn trong tích tắc,...

Do vậy, trong mùa lũ, chính quyền, đoàn thể cần đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước; nhắc nhở những gia đình có trẻ em, sinh sống gần sông, rạch, giữa cánh đồng nước và trên ghe tăng cường bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ nhỏ. Khi con nước quá lớn thì có kế hoạch thành lập các nhóm giữ trẻ. Các gia đình có trẻ nhỏ thì tổ chức rào chắn, không cho trẻ tắm sông mùa lũ, không chủ quan để “trẻ em giữ trẻ em” mà luôn có người lớn giữ trẻ. Đối với trẻ đi học, nếu độ tuổi quá nhỏ, phải có người lớn đưa, rước; trang bị cho trẻ các dụng cụ cứu sinh (phao, cặp).

Về lâu dài, cần phổ cập bơi lội cho học sinh, nhất là ở vùng lũ; xây dựng môi trường gia đình an toàn, cộng đồng an toàn trong phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết