Buổi truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ cho các thai phụ đến khám thai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An
PV: Năm nay, Bộ Y tế chọn thông điệp “Tăng cường hỗ trợ NCBSM tại nơi làm việc” cho Tuần lễ thế giới NCBSM. Thông điệp này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay thưa bà?
Ths. Nguyễn Hoàng Uyên: Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động (LĐ). Tại Việt Nam, LĐ nữ chiếm gần một nửa lực lượng LĐ cả nước. Do đó, phụ nữ cần được hỗ trợ khi họ đang cùng lúc phải thực hiện cả hai vai trò: Làm việc và chăm sóc con.
Đặc biệt, giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi, LĐ nữ cần các chính sách và biện pháp hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, cơ sở y tế, nơi làm việc, gia đình và cộng đồng để chăm sóc sức khỏe thai sản và NCBSM, bảo đảm nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
Tuy Nhà nước ta đã quy định người LĐ được nghỉ thai sản 6 tháng nhưng trẻ em lại cần được nuôi bằng sữa mẹ cho đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Người mẹ trở lại đi làm khi con được 7 tháng tuổi kéo dài đến 24 tháng là khoảng thời gian có thể ảnh hưởng đến việc NCBSM.
Do đó, việc tăng cường hỗ trợ cho bà mẹ NCBSM tại nơi làm việc là việc làm cấp thiết và vô cùng quan trọng.
PV: Tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời ở tỉnh hiện nay là bao nhiêu thưa bà?
Ths. Nguyễn Hoàng Uyên: Tuy sữa mẹ tốt cho trẻ và ngành Y tế cũng đã khuyến cáo về việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời nhưng tỷ lệ vẫn chưa được như mong muốn.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An, năm 2018, tỷ lệ NCBSM là 27%, đến năm 2021 là 31%, năm 2022 là 32%. Như vậy, trong 4 năm, tỷ lệ này chỉ tăng 5%. Điều này cho thấy tỷ lệ NCBSM của tỉnh tăng rất chậm. Trong khi đó, Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 50% bà mẹ NCBSM. Để đạt được chỉ tiêu này, vẫn còn là một thách thức rất lớn đối với tỉnh.
Những huyện có khu công nghiệp có nhiều nữ công nhân thì tỷ lệ này còn thấp hơn các huyện nông nghiệp. Đơn cử như huyện Đức Hòa chỉ đạt 5-6% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vào năm 2020 và tỷ lệ này hiện nay cũng không tăng bao nhiêu.
PV: Vậy làm thế nào để tăng tỷ lệ NCBSM trong khi người mẹ vẫn bảo đảm việc nuôi con và công ăn việc làm thưa bà?
Ths. Nguyễn Hoàng Uyên: Một trong những đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp nhằm bảo đảm đời sống gia đình công nhân, LĐ chính là hỗ trợ LĐ nữ duy trì NCBSM thông qua lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc.
Trẻ được bú mẹ có nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con. Gia đình cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám, chữa bệnh.
Việc quan tâm cải thiện điều kiện LĐ, chăm sóc sức khỏe cho LĐ nữ, đặc biệt là lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại doanh nghiệp, có thể giúp LĐ nữ tập trung và tăng cường hiệu quả công việc, tạo ra lực lượng LĐ ổn định cho doanh nghiệp.
PV: Cụ thể là các doanh nghiệp cần làm gì để hỗ trợ nữ công nhân NCBSM?
Ths. Nguyễn Hoàng Uyên: Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ có quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật LĐ về điều kiện LĐ và quan hệ LĐ.
Tại khoản 5, Điều 80 Nghị định số 145 quy định "Khuyến khích người sử dụng LĐ lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của LĐ nữ và khả năng của người sử dụng LĐ. Trường hợp người sử dụng LĐ sử dụng từ 1.000 người LĐ nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc".
Còn tại khoản 6, Điều 80 Nghị định số 145 quy định "Khuyến khích người sử dụng LĐ tạo điều kiện để LĐ nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người LĐ thỏa thuận với người sử dụng LĐ".
Nếu các cơ sở sử dụng LĐ nữ đều thực hiện lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc thì chắc chắn tỷ lệ NCBSM của tỉnh sẽ tăng lên rất nhiều, tương đồng với việc sức khỏe của trẻ em trong tỉnh được tốt hơn lên.
PV: Phòng vắt, trữ sữa mẹ cần tuân theo những quy định nào thưa bà?
Ths. Nguyễn Hoàng Uyên: Điều 76 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định "Phòng vắt, trữ sữa mẹ là một không gian riêng tư, không phải buồng tắm hay buồng vệ sinh; có nguồn điện, nước, bàn, ghế, tủ lạnh bảo đảm vệ sinh, quạt hoặc điều hòa; bố trí ở vị trí thuận tiện sử dụng, được che chắn khỏi sự xâm phạm, tầm nhìn của đồng nghiệp và công cộng để LĐ nữ có thể cho con bú hoặc vắt, trữ sữa".
Phải bảo đảm phòng vắt, trữ sữa cách nơi làm việc của đa số LĐ nữ không quá 10 phút đi bộ. Cần tham vấn ý kiến LĐ nữ đang NCBSM và cán bộ Công đoàn để lựa chọn vị trí phù hợp. Tất cả LĐ nữ cần được thông báo về vị trí của phòng vắt, trữ sữa mẹ.
Có thể xem xét cải tạo phòng vắt, trữ sữa từ những vị trí: Sử dụng một phần phòng y tế; phần không gian không sử dụng của văn phòng; một phần của nhà kho được cải tạo thoáng khí; sửa lại một không gian hiện không được sử dụng hiệu quả; ngăn cách một góc của một phòng có sẵn bằng tường xây hoặc vách ngăn di động.
PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!./.
Thanh Bình