Tiếng Việt | English

07/03/2016 - 10:46

Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn

Thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người tử vong do TNGT liên quan đến rượu, bia trên địa bàn tỉnh Long An gia tăng. Vì vậy, việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn được Công an tỉnh xác định là biện pháp quan trọng nhằm hạn chế TNGT.

Một trường hợp vi phạm được đưa vào trụ sở Công an phường 2 kiểm tra nồng độ cồn

Đại tá Lê Văn Công - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ Công an tỉnh cho biết: Lực lượng CSGT tập trung tuần tra, kiểm soát vào các giờ trọng điểm, các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, tết. Cùng với phạt tiền, tước giấy phép lái xe, các trường hợp vi phạm giao thông nói chung, vi phạm nồng độ cồn nói riêng đều được lực lượng CSGT lập hồ sơ, gửi thông báo đến địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp không ít khó khăn từ chính những đốí tượng biểu hiện “quá chén” không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn như yêu cầu.

Đội trưởng Đội tuần tra giao thông số 1 - Thiếu tá Trương Thống Nhất cho biết: Nhiều trường hợp cố tình lãng tránh khi bị yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc ngậm nhưng không chịu thổi. Thậm chí, nhiều người còn có cử chỉ, lời nói xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Đối với những trường hợp đó, tổ công tác buộc phải sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để làm chứng cứ xử lý theo quy định của pháp luật, ghi lại hình ảnh để xử lý theo lỗi không chấp hành.

Thực tế lâu nay việc vi phạm nồng độ cồn chưa được xử lý mạnh tay do các lực lượng chức năng thi thoảng mới ra quân xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm. Vì thế, không ít người không ý thức rằng mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi sau uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Hiện nay, việc xử phạt hành vi điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn ở nước ta được áp dụng theo Nghị định 171/2013/CP của Chính phủ. Cụ thể, người điều khiển ôtô có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt mức cho phép sẽ bị phạt ở mức thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất 15 triệu đồng (tùy theo nồng độ cồn đo được); tương ứng người điều khiển xe môtô mức phạt thấp nhất 500.000 đồng, cao nhất 3 triệu đồng.

Mức phạt trên tương đối nhẹ nên có nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước có mức xử phạt nghiêm hơn. Chẳng hạn, bên cạnh mức phạt nặng bằng tiền cũng nên tính đến việc xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng để tăng tính răn đe. Mặt khác, bên cạnh việc áp dụng các chế tài nghiêm khắc thì các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức của xã hội về tác hại, ảnh hưởng của rượu, bia, mức xử phạt đối với những vi phạm,…

Nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ nhằm góp phần giảm thiểu số vụ TNGT, là một trong những giải pháp đang được Phòng CSGT Công an tỉnh triển khai với mục tiêu tiếp tục giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT so với năm 2015.

Ngọc Lan

Chia sẻ bài viết