Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh – bác sĩ Võ Văn Thắng đề nghị Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho người cung cấp dịch vụ KHHGĐ
Thực hiện Chương trình này, ngoài đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh tổ chức giám sát lồng ghép với giám sát Chiến dịch Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Các giám sát viên tuyến huyện giám sát 60 điểm cung cấp dịch vụ về định mức chi, cách ghi chép và lưu giữ chứng từ, đối tượng nhận dịch vụ, quy trình thực hiện kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung (DCTC).
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp Trung tâm Sức khỏe cộng đồng, Đội Lưu động Nam bộ tổ chức giám sát 241/264 học viên đạt mức độ 1 sau đào tạo “Kiểm soát nhiễm khuẩn và kỹ thuật đặt DCTC”. Đồng thời, tiếp đoàn giám sát của tổ chức Marie Stopes International (MSI) đến giám sát 6 điểm cung cấp dịch vụ trên địa bàn.
Năm 2018, toàn tỉnh có trên 13.700/15.000 ca đặt DCTC, trong đó, thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa, Bến Lức và Cần Giuộc đạt trên 100%. Tại hội nghị, đại biểu thảo luận một số khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và đề ra một số giải pháp thực hiện tốt hơn chương trình năm 2019.
Chương trình giúp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho nhân viên y tế công
Năm 2019, Long An tiếp tục củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ KHHGĐ tuyến y tế cơ sở phục vụ cung cấp dịch vụ. Đồng thời, tăng cường tiếp cận của cộng đồng tới các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ đa dạng.
Phấn đấu cuối năm 2019 có 100% điểm cung cấp dịch vụ đặt DCTC trên địa bàn triển khai Chương trình có người cung cấp dịch vụ đạt mức độ 1; 100% ca đặt DCTC trong Chương trình được thực hiện bởi người cung cấp dịch vụ đạt mức độ 1; trên 70% điểm cung cấp dịch vụ đặt DCTC tại địa bàn triển khai Chương trình bảo đảm đủ điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, dụng cụ KHHGĐ; 100% hàng hoá, phương tiện tránh thai và vật tư tiêu hao luôn sẵn sàng tại các cơ sở cung ứng dịch vụ. Đặc biệt, có 15.000 ca đặt DCTC.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh – bác sĩ Võ Văn Thắng nhận định, đây là Chương trình mang ý nghĩa thiết thực, góp phần cải thiện sức khỏe phụ nữ, thúc đẩy cung ứng và tăng cường tiếp cận của cộng đồng đối với dịch vụ KHHGD có chất lượng, phù hợp nhu cầu, khả năng chi trả của người dân tại y tế công tuyến cơ sở. Chương trình còn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho nhân viên y tế công. Ông đề nghị Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cho người cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Phòng DS-KHHGĐ các địa phương cần quan tâm rà soát, lập hồ sơ quyết toán chính xác các ca đặt DCTC; tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện chương trình./.
Ngọc Mận