Tiếng Việt | English

25/01/2021 - 08:45

Tăng cường quản lý, bảo vệ động vật hoang dã

Thời gian qua, UBND tỉnh Long An có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ để tăng cường công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn.

Đội kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ các loại nông sản được bày bán tại chợ nông sản Thạnh Hóa

Đội kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ các loại nông sản được bày bán tại chợ nông sản Thạnh Hóa

Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc quản lý và bảo vệ ĐVHD, phòng, chống dịch bệnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 hộ mua bán các loài gia cầm, chuột đồng và ĐVHD (chợ nông sản Thạnh Hóa: 26 hộ, ven tuyến Quốc lộ N2, xã Thuận Nghĩa Hòa: 4 hộ). Trong đó, có 18 hộ bán động vật rừng có nguồn gốc được xác nhận và 12 hộ chủ yếu bán các loại gia cầm, chim cảnh, chim kiểng.

Năm 2020, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Thạnh Hóa tiến hành kiểm tra 34 lượt. Qua đó, phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm, phạt tiền 10 triệu đồng và tịch thu tang vật gồm 4kg rắn ráo trâu, 9kg rắn trung, 8kg rắn sọc dưa, 16 con gà nước vằn, 107 con cò các loại, 1 con bìm bịp, 1 con trích, 2 con cú lợn và 6 con choát mỏ thẳng đuôi vằn (0,6kg). Hầu hết các cá thể này đều không xác định được chủ sở hữu. Do đó, các loài này đã được tạm giữ để tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - Trịnh Hùng Cường cho biết, hiện nay, tình trạng bày bán, giết mổ gây phản cảm tại chợ nông sản Thạnh Hóa và ven tuyến Quốc lộ N2 đã giảm rõ rệt. Các loài động vật rừng hoang dã, quý hiếm không có nguồn gốc cũng không còn được bày bán. Hầu hết động vật rừng đang được bày bán đều có nguồn gốc hợp pháp do Chi cục Kiểm lâm và các Hạt kiểm lâm của các địa phương xác nhận.

“Theo thống kê của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, đến cuối năm 2020, tại chợ nông sản Thạnh Hóa và ven Quốc lộ N2 có khoảng 3.000 cá thể chim cảnh, chim kiểng (giảm hơn 2.000 cá thể so với đầu năm). Số cá thể này được Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh thống kê và yêu cầu các hộ kinh doanh bổ sung giấy tờ chứng minh nguồn gốc và không được nhập thêm. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Thạnh Hóa - Tân Thạnh phối hợp Công an huyện Thạnh Hóa kiểm tra, xử lý 6 vụ mua, bán động vật rừng (4 vụ có chủ sở hữu và 2 vụ không xác minh được người vi phạm) phạt tiền 21.500.000 đồng và tịch thu tang vật gồm 74,4kg động vật rừng thông thường các loại, định giá và thả về môi trường tự nhiên” - ông Cường cho biết thêm.

Nhìn chung, sau thời gian nỗ lực tuyên truyền, tình trạng bày bán, giết mổ ĐVHD gây phản cảm tại chợ nông sản Thạnh Hóa đã giảm rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn một vài hộ kinh doanh tại đây vì lợi nhuận mà vẫn lén lút bày bán các loài động vật có nguồn gốc hoang dã.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Các hộ kinh doanh tại chợ luôn tìm cách đối phó với lực lượng kiểm tra như chỉ trưng bày các loài động vật rừng có nguồn gốc hợp pháp như trĩ đỏ, le le, rắn hổ hành, các loài gây nuôi,... và cất giấu các loại động vật rừng không có nguồn gốc hợp pháp ở bên trong cửa hàng hoặc nơi khác, khi có người hỏi mua thì mới đem ra hoặc giới thiệu các loài động vật họ bán. Hơn nữa, khi phát hiện có lực lượng chức năng đến kiểm tra, các đối tượng mua bán nhanh chóng tẩu tán tang vật, đóng cửa kiốt hoặc tỏ thái độ không chấp hành, bất hợp tác, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý hành chính”.

Tình trạng mua bán động vật hoang dã đã giảm nhiều so với trước đây

Tình trạng mua bán động vật hoang dã đã giảm nhiều so với trước đây

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai đến các sở, ngành, địa phương tài liệu về “Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD”; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp các cơ quan chuyên môn các huyện thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về buôn bán, kinh doanh động vật rừng. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý hoạt động gây nuôi, chế biến, kinh doanh ĐVHD; xử lý nghiêm hành vi nuôi nhốt, mua, bán, tàng trữ các loài ĐVHD không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra nguồn gốc, cập nhật sổ theo dõi mua bán động vật đối với các hộ kinh doanh.

“Đối với huyện Thạnh Hóa, Sở yêu cầu Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ động vật rừng, ĐVHD; đồng thời, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán các mặt hàng động vật không có nguồn gốc, xuất xứ” - ông Thiện thông tin thêm./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết