Tiếng Việt | English

25/05/2021 - 10:03

Tăng cường quản lý, kiểm tra thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp

Sự phát triển công nghiệp cũng đặt ra những thách thức trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, ngoài kiểm soát chặt chẽ những nguồn gây ô nhiễm khí thải, nước thải, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp.

Ngành chức năng đến kiểm tra việc lén lút đổ rác bừa bãi ở một tuyến đường gần khu công nghiệp

Ngành chức năng đến kiểm tra việc lén lút đổ rác bừa bãi ở một tuyến đường gần khu công nghiệp

Với lợi thế cửa ngõ miền Tây Nam bộ, giáp TP.HCM nên Long An trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Những năm qua, phát triển công nghiệp ở tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển KT-XH. Hiện toàn tỉnh có 16 khu và 22 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; có hơn 13.100 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút nguồn lao động đến làm việc.

Tuy nhiên, bên cạnh vai trò to lớn đó, việc sản xuất công nghiệp cũng đặt ra những thách thức với công tác BVMT. Trên địa bàn tỉnh hiện tập trung rất nhiều cơ sở công nghiệp với nhiều loại hình khác nhau, dù các cơ sở này có công nghệ hiện đại nhưng đều tác động đến môi trường, ở những khía cạnh và mức độ khác nhau làm ảnh hưởng các khu vực xung quanh. Ngoài ra, vẫn tồn tại các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư, đây là một trong những nguồn ô nhiễm khó kiểm soát, dễ phát tán, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân và môi trường tự nhiên.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết: “Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều ban hành kế hoạch thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động công nghiệp. Qua đó, phát hiện những vi phạm và tiến hành tham mưu, xử lý đúng quy định”.

Theo Thượng tá Lại Văn Út - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, đơn vị thường xuyên chú trọng kiểm tra việc chấp hành công tác BVMT trong lĩnh vực công nghiệp. Các vụ việc sai phạm do đơn vị kiểm tra phát hiện, xử phạt đều thực hiện đúng trình tự, nội dung và thời gian mà pháp luật đã quy định, bảo đảm tính pháp lý. Qua theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, phần lớn tổ chức, cá nhân vi phạm đều chấp hành nghiêm quyết định xử phạt.

Cũng từ quan điểm nhất quán phát triển bền vững phải đi đôi với BVMT và sự kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh theo quy định nên nhìn chung, công tác BVMT tại các nhà máy, xí nghiệp những năm gần đây được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt hơn. Hầu hết đơn vị đều có lập hồ sơ môi trường cho dự án trước khi đi vào hoạt động; nhiều đơn vị đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải; công tác lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải cũng từng bước được các khu, cụm công nghiệp thực hiện,... Ngoài ra, trong quá trình sản xuất công nghiệp phát sinh một lượng lớn chất thải rắn, theo đó, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp quan tâm thu gom, xử lý theo đúng quy định.

Chất thải rắn được thu gom, đưa về nhà kho của nhà máy xử lý rác để xử lý

Chất thải rắn được thu gom, đưa về nhà kho của nhà máy xử lý rác để xử lý

Chất thải rắn công nghiệp bao gồm chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn công nghiệp nguy hại. Thành phần chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp bao gồm chất thải rắn vô cơ và chất thải rắn hữu cơ. Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện phát sinh khoảng gần 2.000 tấn chất thải rắn công nghiệp/ngày. Dự báo khối lượng phát sinh đến năm 2025 khoảng 2.400 tấn/ngày. Ước tính trong chất thải rắn công nghiệp, lượng chất thải nguy hại chiếm khoảng 20-30%. Tỷ lệ này thay đổi tùy loại hình công nghiệp, trong đó, cơ khí, điện, điện tử, hóa chất là những ngành có tỷ lệ chất thải nguy hại cao hơn. Cụ thể, hiện nay, khối lượng chất thải nguy hại phát sinh gần 400 tấn/ngày; dự báo đến năm 2025, chất thải nguy hại phát sinh gần 500 tấn/ngày.

Chất thải nguy hại hiện nay được doanh nghiệp thu gom, lưu vào kho chứa và hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải nguy hại. Hầu hết cơ sở xử lý chất thải nguy hại đều là doanh nghiệp tư nhân do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động. Việc phát triển các doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo cơ chế thị trường giúp hoạt động quản lý chất thải có tính cạnh tranh cao, tạo điều kiện cho các chủ nguồn thải chất thải nguy hại cần chuyển giao có thể chọn lựa doanh nghiệp xử lý có kinh nghiệm và dịch vụ phù hợp, tránh tình trạng độc quyền và ép giá.

Theo ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chất thải rắn công nghiệp không nguy hại có tỷ lệ thu gom khoảng 90%, chất thải rắn công nghiệp nguy hại thu gom cũng đạt khoảng 90%. Theo đánh giá, nhiều khu đô thị, cơ sở sản xuất chất thải nguy hại chưa được phân loại riêng. Thậm chí những năm qua, ngành chức năng cũng phát hiện việc đổ rác công nghiệp ven một số tuyến đường, bãi đất trống gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Nguyễn Tân Thuấn, với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, đơn vị tiếp tục duy trì và tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Trong đó, đặc biệt quan tâm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, phân loại rác, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp, nhất là chất thải rắn nguy hại; ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi đổ rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, đôn đốc xây dựng nhà máy xử lý rác thải, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong công tác BVMT,.../.

Trên địa bàn tỉnh hiện phát sinh khoảng gần 2.000 tấn/ngày chất thải rắn công nghiệp. Dự báo khối lượng phát sinh đến năm 2025 khoảng 2.400 tấn/ngày. Ước tính trong chất thải rắn công nghiệp, lượng chất thải nguy hại chiếm khoảng 20-30%.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết