Tiếng Việt | English

12/09/2019 - 10:44

Thực trạng xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh

Xử lý rác thải rắn là vấn đề luôn được tỉnh Long An quan tâm và có nhiều kế hoạch, giải pháp để tập trung thực hiện. Hiện nay, rác thải rắn ở tỉnh còn được đưa về các nhà máy ở TP.HCM để xử lý.

Có nơi, rác sinh hoạt ùn ứ, chưa được xử lý kịp thời, đổ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường

Có nơi, rác sinh hoạt ùn ứ, chưa được xử lý kịp thời, đổ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trên địa bàn tỉnh, lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại các thị trấn, thị tứ khoảng 570-590

tấn/ngày. Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện nào thì UBND huyện đó chịu trách nhiệm kiểm soát và quản lý từ việc thu gom, vận chuyển đến xử lý.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin, rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom, vận chuyển về Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa để xử lý khoảng 250 tấn/ngày, bao gồm rác của TP.Tân An, huyện Châu Thành, một phần huyện Bến Lức, huyện Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa. Huyện Tân Hưng (khoảng 25 tấn/ngày) đốt tại lò đốt rác của huyện. Thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa (khoảng 40 tấn/ngày) đốt tại lò đốt rác của thị xã Kiến Tường.

Tại huyện Vĩnh Hưng (khoảng 20 tấn/ngày), Sở TN&MT đang thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp xử lý bãi rác để sản xuất phân compost phục vụ nhu cầu của huyện, rác thải sinh hoạt hàng ngày của huyện vẫn đổ lộ thiên. Huyện Đức Huệ đổ tại bãi rác tạm của huyện khoảng 25 tấn/ngày. Rác của huyện Cần Đước, Cần Giuộc, một phần huyện Bến Lức tổng cộng khoảng 145 tấn/ngày được xử lý tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Rác của huyện Đức Hòa khoảng 120 tấn/ngày xử lý tại Công ty CP Vietstar TP.HCM. Tuy vậy, thời gian qua, vấn đề xử lý rác ở Đức Hòa gặp nhiều khó khăn bởi thực tế lượng rác phát sinh nhiều hơn nên Sở TN&MT tỉnh đã phải nhiều lần làm việc với nhà máy ở TP.HCM tiếp nhận xử lý rác.

Để việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh dần đi vào ổn định, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 16/5/2019 về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến 2025. Mục tiêu chính là xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt 250 tấn/ngày tại huyện Đức Huệ; xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt 250 tấn/ngày tại huyện Cần Đước hoặc Cần Giuộc; xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt 100 tấn/ngày tại huyện Vĩnh Hưng và nâng công suất, thay đổi công nghệ đốt của Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa.

Theo đánh giá của Sở TN&MT, đối với chất thải rắn công nghiệp phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất được mỗi doanh nghiệp tự phân loại và quản lý theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, ngày 24/4/2015 của Chính phủ. Đa số chất thải rắn công nghiệp được các doanh nghiệp phân loại để tái chế, bán cho các đơn vị có nhu cầu tái sử dụng,...

Qua theo dõi công tác quản lý chất thải nguy hại của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, doanh nghiệp tuân thủ các quy định về quản lý chất thải nguy hại theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT, ngày 30/6/2019 của Bộ TN&MT. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có các đơn vị hoạt động xử lý chất thải nguy hại là Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường Trái Đất Xanh (Khu công nghiệp Xuyên Á, huyện Đức Hòa); Công ty TNHH TM DV Môi trường Nguyệt Minh 2 (Khu công nghiệp Xuyên Á, huyện Đức Hòa); Công ty TNHH Môi trường Chân Lý (Cụm công nghiệp Hoàng Gia, huyện Đức Hòa); Công ty TNHH TM và SX Ngọc Tân Kiên (Khu công nghiệp Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa); Công ty TNHH MTV SX TM DV Xử lý CTNH Tùng Nguyên HS (Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa). Trong tương lai, Khu công nghệ Môi Trường Xanh đi vào hoạt động sẽ tiếp nhận và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại.

Riêng đối với chất thải nguy hại phát sinh từ ngành nông nghiệp chủ yếu là bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2016, Sở TN&MT có thí điểm thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật cho một số địa phương trên địa bàn tỉnh (thị xã Kiến Tường, huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, TP.Tân An). Tuy nhiên, hiệu quả thu được không cao do số lượng ít (dưới 1.000kg/năm), do đó, sở đã tạm ngưng thực hiện trong năm 2018.

Đến năm 2019, huyện Châu Thành có văn bản đề nghị sở hỗ trợ huyện xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trong hoạt động trồng thanh long của huyện nhằm bảo đảm môi trường nên sở đã thực hiện kế hoạch thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật cho địa phương này. Dự kiến trong năm 2019 hoàn tất, sau đó đánh giá kết quả thực hiện làm cơ sở nhân rộng mô hình. Hiện nay, việc quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được UBND cấp huyện và cấp xã quản lý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, ngày 16/5/2016.

Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đóng trên địa bàn huyện Thạnh Hóa tiếp nhận rác của nhiều địa phương trong tỉnh

Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đóng trên địa bàn huyện Thạnh Hóa tiếp nhận rác của nhiều địa phương trong tỉnh

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế về quản lý rác thải rắn sinh hoạt, trong khi chờ Khu công nghệ Môi Trường Xanh huyện Thủ Thừa và các nhà máy xử lý rác theo kế hoạch đi vào hoạt động, Sở TN&MT đã đề xuất UBND tỉnh nhiều nội dung.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn cho biết, sở đề xuất UBND tỉnh làm việc, yêu cầu chủ đầu tư Công ty Xử lý chất thải Việt Nam triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày (trước mắt xây dựng ngay modul 1 công suất 250 tấn/ngày) trên diện tích 5ha tại Khu công nghệ Môi Trường Xanh (khu đất do TP.HCM chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng) nhằm góp phần xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có cam kết tiến độ triển khai thực hiện dự án để có cơ sở định hướng xử lý rác cho tỉnh trong thời gian chờ thi công xây dựng và vận hành Khu công nghệ Môi Trường Xanh ổn định.

Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt không có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển rác, để khắc phục tình trạng người dân để rác lộ thiên, tự hủy hoặc vứt rác bừa bãi nơi công cộng, kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường, trước mắt, đề nghị UBND các huyện tham khảo nghiên cứu mô hình hố xử lý rác trên địa bàn huyện Cần Giuộc để hướng dẫn người dân triển khai thực hiện./.

Hiện trạng bảo vệ môi trường Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa

Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa do Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa làm chủ đầu tư đi vào hoạt động chính thức từ năm 2013. Do lượng rác tiếp nhận hàng ngày lớn hơn công suất xử lý nên nhà máy tồn đọng khoảng 30.000 tấn rác bên ngoài nhà xưởng. Từ đó, làm phát sinh mùi hôi, ruồi gây ô nhiễm môi trường xung quanh, nhất là vào mùa mưa, gây bức xúc cho người dân trong khu vực. Để khắc phục, nhà máy từng bước đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình theo hồ sơ môi trường được phê duyệt, đến nay, nhà máy xây dựng 3 lò đốt rác, khu sản xuất phân compost, 3 kho chứa rác, hệ thống xử lý nước thải, nhà ở công nhân, cây xanh, hệ thống đường giao thông nội bộ,…

Để giải quyết triệt để các tồn tại về ô nhiễm môi trường tại Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, UBND tỉnh có văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty Tâm Sinh Nghĩa được chuyển đổi công nghệ xử lý rác phát điện và nâng công suất xử lý lên 500 tấn/ngày. Đồng thời, giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn đơn vị hoàn thiện các thủ tục liên quan đến môi trường, đầu tư, xây dựng, đấu nối điện,... theo quy định trước khi thực hiện xây dựng mới nhà máy xử lý rác phát điện.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết