Tiếng Việt | English

07/12/2024 - 11:16

Tăng cường tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử

Trong thời đại số, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người tiêu dùng. Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trực tuyến cùng sự gia tăng của các hoạt động mua sắm trực tuyến tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN), cá nhân trong kết nối cung - cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Hào (xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) chăm sóc những cây mai tứ quý ghép trong vườn nhà

Động lực tăng trưởng

Thời gian qua, để tăng cường kết nối cung - cầu, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia thông tin tình hình thị trường, chính sách, pháp luật đến DN; đồng thời, phối hợp đón nhiều đoàn nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu giao thương với các DN trên địa bàn tỉnh Long An; phối hợp DN, người Việt Nam tại thị trường nước ngoài tìm hiểu thị trường, kết nối tìm nguồn hàng cung ứng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết: Sở tiếp tục phối hợp Trung tâm Phát triển TMĐT duy trì phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại địa chỉ https://truyxuatnguongoc.longan.gov.vn; đồng thời, triển khai đến các DN, cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia Sàn TMĐT Long An tại địa chỉ http://longantrade.com/, kết nối với Sàn TMĐT hợp nhất của Bộ Công Thương tại địa chỉ https://sanviet.vn.

Nhờ những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, hiện có hơn 151.300 hộ gia đình được hướng dẫn kết nối và mua bán trên các sàn TMĐT, góp phần thúc đẩy kinh tế số tại địa phương. Đáng chú ý, trong hoạt động chuyển đổi số kinh tế các sản phẩm OCOP của tỉnh được quảng bá rộng rãi trên nhiều sàn TMĐT uy tín; góp phần giúp các hộ gia đình, hợp tác xã đăng ký 76 gian hàng với hơn 300 sản phẩm được trưng bày trên sàn TMĐT tỉnh; giới thiệu gần 60 sản phẩm OCOP và tiếp tục đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn TMĐT Bưu điện Việt Nam tại địa chỉ https://buudien.vn.

Sản phẩm mai tứ quý ghép của anh Nguyễn Văn Hào (xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) được chứng nhận OCOP 3 sao từ tháng 7/2024. Trong một lần tình cờ tìm hiểu trên Internet, nhận thấy ghép mai vàng vào gốc mai tứ quý đang được thị trường yêu thích, anh quyết định phát triển thương hiệu riêng ngay trên quê hương mình. Hiện tại, sản phẩm mai tứ quý ghép của anh Hào đã có mặt trên sàn TMĐT Long An. Anh tập trung bán sản phẩm qua các nền tảng TMĐT và kênh YouTube cá nhân, giúp mai ghép tiếp cận được nhiều khách hàng ở xa.

Mai tứ quý ghép của anh Nguyễn Văn Hào có mặt trên sàn thương mại điện tử

Anh Hào chia sẻ: "Tôi đầu tư 1 tỉ đồng để mua mai về ghép và kinh doanh. Kiến thức ghép mai tôi học được chủ yếu qua sách, báo, Internet và nhiều mô hình trồng mai trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tôi xây dựng kênh YouTube Mai ghép Hào Nguyễn với hơn 3.600 lượt theo dõi để chia sẻ kinh nghiệm ghép mai, tiếp thị sản phẩm và cũng là “kênh truyền thông” của bản thân. Nhờ vậy, nhiều khách hàng trên cả nước biết đến vườn mai của tôi. Hiện tại, tôi có 70 80 cây mai tứ quý ghép thành phẩm và khoảng 600-700 gốc mai tứ quý con đang chờ ghép giống”. Được biết, nhờ ghép mai, anh Hào có thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm.

Xu hướng mới

Từ những vỏ lon bia, nước giải khát bỏ đi, anh Nguyễn Thanh Tùng (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) sáng tạo ra dòng tranh nhôm độc đáo, vừa thân thiện với môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế. Anh Tùng cho biết, dù đam mê mỹ thuật từ nhỏ, anh phải tạm gác lại ước mơ, đi theo định hướng của gia đình. Sau 10 năm, niềm đam mê vẫn luôn cháy bỏng, thôi thúc anh từ bỏ công việc để có một khởi đầu mới.

Anh Tùng tái sử dụng các loại chai nhựa, chai nước rửa sàn nhà làm chậu trồng rau sạch, bình tưới cây hay vẽ hoa văn trang trí trên những chai rượu thủy tinh để làm đẹp thêm cho không gian sống. Trong đó, anh đặc biệt quan tâm các phế liệu như vỏ lon bia và nước ngọt. Anh Tùng cho biết: "Mặt trong vỏ lon bia là nhôm sáng bóng, có độ bền cao, không thay đổi màu, không bị gỉ sét hoặc oxy hóa nên tôi thử tận dụng làm tranh nhôm". Được biết, anh đã đăng ký bản quyền tác phẩm từ năm 2022.

Vừa qua, anh Nguyễn Thanh Tùng (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) đoạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Long An lần thứ V - năm 2024 do Tỉnh Đoàn tổ chức

Ban đầu, anh Tùng làm tranh với những công cụ đơn giản, dẫn đến tay thường xuyên bị thương. Qua nhiều nghiên cứu, anh đã thay thế bằng dao phẫu thuật, giúp việc tạo hình trở nên an toàn và chính xác hơn. Để tạo thêm màu sắc cho tranh, anh còn kết hợp lá bồ đề, tạo nên những tác phẩm có độ bền cao và dễ bảo quản. Các tác phẩm có giá từ 180.000 đồng đến hàng chục triệu đồng, tùy kích thước và độ tinh xảo.

Với nền tảng kiến thức công nghệ thông tin vững chắc và kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing online, anh Tùng nhanh chóng nắm bắt xu hướng và tạo dựng một kênh TikTok riêng. Chỉ sau thời gian ngắn, kênh của anh thu hút hơn 5.000 lượt theo dõi nhờ những video sáng tạo về quá trình làm tranh nhôm độc đáo. Nhờ TikTok, anh Tùng không chỉ mở rộng lượng khách hàng tiềm năng mà còn nhận được nhiều đơn hàng mỗi tháng. Khách hàng có thể dễ dàng nhắn tin để đặt hàng hoặc yêu cầu chỉnh sửa tranh theo ý muốn. Tuy nhiên, do phải làm thủ công và nguồn nhân lực chưa đủ nên đôi khi anh gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Anh Tùng chia sẻ: “Sắp tới, tôi có kế hoạch đầu tư đạo cụ và bắt đầu livestream trên TikTok để giao lưu và làm tranh nhôm trực tiếp trên live, giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm. Tôi đang ấp ủ dự án mở một hệ sinh thái tại địa phương, dạy nghề cho người khuyết tật để họ có việc làm và nâng cao năng suất sản xuất. Khi đó, tôi sẽ càng đẩy mạnh hơn nữa việc bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội vì đã tự tin đáp ứng nhu cầu khách hàng”.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Phước Điền (huyện Cần Giuộc) thành lập năm 2019, hiện có 27 thành viên, trong đó có 10 người chuyên canh tác và kinh doanh hoa lan với diện tích hơn 10ha. Nhờ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, hợp tác xã cải thiện đáng kể đầu ra cho hoa lan, tạo sự yên tâm sản xuất cho các thành viên.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Phước Điền - Nguyễn Duy Phong từng có kinh nghiệm trong ngành truyền thông - báo chí, đã mạnh dạn khai thác kênh bán hàng qua livestream trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok. Sau quá trình thử nghiệm, anh Phong không ngừng tích lũy kinh nghiệm, tập trung bảo đảm chất lượng sản phẩm và cách giao tiếp thân thiện, thu hút khách hàng.

Các bạn đoàn viên, thanh niên tham quan Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Phước Điền (huyện Cần Giuộc)

Anh Phong chia sẻ: “Khi đã thành thạo các kỹ năng livestream bán hàng, tôi bắt đầu sản xuất video chia sẻ kinh nghiệm để các thành viên khác cùng học hỏi. Đối với những người chưa rành về công nghệ, tôi trực tiếp hướng dẫn; còn với những ai chưa tự livestream, tôi thu mua sản phẩm để hỗ trợ đầu ra”. Nhờ sự hỗ trợ và định hướng đó, thương hiệu hoa lan của hợp tác xã trở nên phổ biến hơn, thu hút lượng khách hàng ngày càng tăng, trung bình mỗi ngày được tiêu thụ hơn 300 đơn hàng và khoảng 1.000 cây hoa lan các loại.

Tận dụng TMĐT và hình thức bán hàng trực tuyến, các DN, cá nhân đã tạo ra giá trị kinh tế bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế số. Đây là hướng đi mới, hứa hẹn mang lại cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết