Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) sơ chế thanh long trước khi đưa vào máy sấy
Đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử
Nhận thức được sàn TMĐT chính là giải pháp để nông sản địa phương có thể đến gần và nhanh hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, các ngành chức năng tỉnh Long An nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tận dụng ưu thế này.
Thông tin từ Sở Công Thương, thời gian qua, Sở hỗ trợ một số nông sản đã qua chế biến như thanh long sấy, khoai lang sấy, chao, lạp xưởng, mắm các loại,... lên các sàn TMĐT trong nước như Voso, buudien, Sendo, Shopee, Lazada,... Đồng thời, Sở hỗ trợ 15 doanh nghiệp (DN) đưa các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh như gạo, chanh, thanh long, chuối,... lên sàn TMĐT quốc tế Alibaba.com.
Sở phối hợp Trung tâm TMĐT khu vực phía Nam - OSB Group hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh tham gia sàn TMĐT Alibaba.com; đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí mua gói dịch vụ thành viên Gold Supplier Basic trên sàn TMĐT Alibaba.com, thiết kế gian hàng trên sàn TMĐT Alibaba.com, chăm sóc gian hàng theo tiêu chuẩn,…
Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) là một trong những DN được Sở Công Thương hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Alibaba.com và bước đầu nhận được sự quan tâm, phản hồi khá tích cực.
Gian hàng của Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com
Giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm HG - Dương Thị Trúc Giang cho biết: “Song song với việc duy trì các kênh bán hàng truyền thống, Cty đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giao dịch hàng hóa trên các sàn TMĐT. Thông qua các sàn TMĐT, sản phẩm của Cty đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, TMĐT còn giúp Cty giảm bớt chi phí cho các khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm”.
Để có những kết quả tích cực trong tiêu thụ, xuất khẩu nông sản qua sàn TMĐT thời gian qua, Sở Công Thương triển khai đồng bộ các biện pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai phối hợp các sàn TMĐT tổ chức tập huấn cho các DN, hợp tác xã, nông dân cách đăng ký thông tin trên các sàn TMĐT, cách đưa sản phẩm lên sàn, kỹ năng livestream bán hàng trực tiếp, cách tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn, đóng gói, giao nhận và thanh toán,...
Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ
Chanh không hạt Long An giờ đây không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn chinh phục được các thị trường ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 11.300ha chanh, tập trung tại các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ và Thạnh Hóa. Sản lượng trái hàng năm khoảng 180.000 tấn. Trong đó, Bến Lức là địa phương có diện tích chanh lớn nhất tỉnh với khoảng 7.000ha.
Toàn tỉnh hiện có hơn 11.300ha chanh với sản lượng trái hàng năm khoảng 180.000 tấn
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Chanh Việt (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) - Nguyễn Văn Hiển cho biết, bên cạnh chanh tươi, các sản phẩm làm từ chanh cũng dần chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua các sàn TMĐT.
“Hiện một số sản phẩm làm từ chanh của Cty như tinh dầu chanh, lá chanh sấy, bột chanh hòa tan, vỏ chanh sấy đang được trưng bày, quảng bá trên sàn TMĐT của tỉnh. Bên cạnh yếu tố cốt lõi là công dụng, chất lượng sản phẩm thì việc kinh doanh qua những trang bán hàng TMĐT cũng góp phần quan trọng đưa sản phẩm của Cty tiếp cận thị trường nhanh hơn. Qua đó, sản phẩm vừa lan tỏa nhanh đến người tiêu dùng, vừa tiết kiệm chi phí” - ông Hiển cho biết thêm.
Có thể nói, các sàn TMĐT đã và đang góp phần tăng khả năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Thông qua các sàn TMĐT, các loại nông sản chủ lực và nông sản chất lượng cao của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thông tin từ Sở Công Thương, từ đầu năm 2024, Sở trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Long An năm 2024 với các nội dung về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT tỉnh; hỗ trợ DN Long An tham gia sàn giao dịch TMĐT uy tín; xây dựng, triển khai kế hoạch điều tra, thống kê TMĐT; duy trì, phục hồi dữ liệu sàn giao dịch TMĐT; phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng tỉnh Long An; phần mềm quản lý kinh doanh xăng, dầu trực tuyến tỉnh Long An.
Các sản phẩm làm từ chanh của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Chanh Việt (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Trần Thanh Toản, thời gian qua, Sở tập trung nghiên cứu việc triển khai, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, khuyến khích DN, hợp tác xã của tỉnh tham gia các hoạt động TMĐT quốc tế. Nhờ đó, nhiều loại nông sản của tỉnh từng bước được quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ qua các sàn TMĐT đến nhiều thị trường trong và ngoài nước.
“Thời gian tới, Sở tiếp tục hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh đưa nông sản lên các sàn TMĐT; tiếp tục phối hợp các sở, ngành có liên quan triển khai, thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển TMĐT Long An giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, truy xuất nguồn gốc điện tử;...” - ông Trần Thanh Toản thông tin.
Việc đẩy mạnh TMĐT là hướng đi phù hợp, giúp nông sản của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi, yêu cầu cao của các sàn TMĐT, các địa phương cần hỗ trợ nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa; tích cực phối hợp ngành chức năng và các sàn TMĐT để hỗ trợ tập huấn, đào tạo cho nông dân về quy trình, cách thức đưa nông sản lên các sàn TMĐT./.
Bùi Tùng