Trường Đại học Kinh tế TP.HCM dự kiến thu học phí năm học 2022-2023 ở mức 31,25 triệu đồng/năm. Trước đó, trong năm học 2020-2021 và 2021-2022, mức học phí của trường là 20,5 triệu đồng/năm. Như vậy, mức học phí hệ đại trà năm học mới tăng 10,75 triệu đồng so với năm học trước. Trường Đại học Luật TP.HCM dự kiến mức thu học phí sẽ từ 31,25-39 triệu đồng/năm, tùy ngành (đối với hệ đại trà), trong đó ngành có mức tăng cao nhất là 13,25 triệu đồng. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) dự kiến mức học phí hệ đại trà từ 21,5-27 triệu đồng/năm (tăng từ 10 triệu đồng/năm trở lên, tùy ngành). Còn Trường Đại học Y Dược TP.HCM có sự tăng, giảm tùy theo ngành. Trong đó, các ngành răng hàm mặt, y tế công cộng, dinh dưỡng tăng 7 triệu đồng; y khoa tăng 6,8 triệu đồng so với năm học trước; một số ngành như kỹ thuật phục hình răng lại giảm 18 triệu đồng (từ 55 triệu đồng xuống còn 37 triệu đồng/năm).
Tại Long An, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2022-2023. Theo đó, bậc mầm non, THCS có mức học phí 300.000 đồng/tháng đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thuộc huyện và 100.000 đồng/tháng đối với vùng nông thôn. Bậc THPT có mức học phí 300.000 đồng/tháng đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thuộc huyện và 200.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn. So mức học phí năm học 2021-2022, mầm non từ 72.000 - 154.000 đồng/tháng đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thuộc huyện và 38.000-93.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn; THCS và THPT là 72.000 đồng/tháng đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thuộc huyện và 38.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn thì mức học phí năm học 2022-2023 tăng từ gấp 2 đến gấp 5 lần.
Tăng học phí là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con. Đầu năm học, ngoài tiền học phí, cha mẹ còn phải lo nhiều khoản tiền khác cho các con chuẩn bị nhập học như tiền đồng phục, tập, sách, dụng cụ học tập, phương tiện đi lại và các khoản phí. Một gia đình có 2 người con, trong đó có 1 người học đại học sẽ phải chuẩn bị số tiền khoảng 70-80 triệu đồng lo các khoản học phí, quần áo, tập, sách,... cho các con. Đây là khoản tiền không phải gia đình nào cũng lo được.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người vẫn chưa tìm được việc làm ổn định trong khi giá cả hàng hóa trên thị trường liên tục tăng, giờ học phí lại tăng nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy được những khó khăn đó, UBND tỉnh gửi văn bản đề xuất về lộ trình học phí và chính sách miễn học phí đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, tỉnh đề xuất tiếp tục thực hiện mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023. Từ năm học 2023-2024, HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non, phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. Ngoài ra, tỉnh còn đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ về miễn học phí cho HS THCS từ năm học 2022-2023.
Tăng học phí là điều tất yếu nhưng phải có lộ trình và vào thời điểm thích hợp. Hiện kinh tế vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên nhiều người mong muốn việc tăng học phí sẽ được dời lại vào thời điểm thích hợp, có thể là năm học 2023-2024, khi đó người dân có thời gian phục hồi, phát triển kinh tế hơn. Và tăng học phí phải tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng. Việc tăng học phí cũng phải dựa trên sự chia sẻ để học phí không trở thành gánh nặng của nhiều gia đình./.
Tâm Yên